Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 08/02/2023 10:00 (GMT+7)

Gần 8.000 người chết trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Số người chết trong trận động đất kinh hoàng ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên đến hơn 7.800, Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng.

Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay hôm 7/2 cho biết số người chết do động đất đã tăng lên 5.894 và hơn 34.000 người bị thương. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 5.775 tòa nhà đã bị phá hủy sau trận động đất. Tại Syria, ít nhất 1.932 người thiệt mạng.

Giới chức ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nhận định con số sẽ tiếp tục tăng đáng kể. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian trong điều kiện mùa Đông khắc nghiệt để cứu những nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát của những tòa nhà bị sập.

tm-img-alt
Một người phụ nữ đứng trước tòa nhà đổ nát sau trận động đất ở TP Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 7-2. Ảnh: Reuters

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ban bố tình tại 10 tỉnh trong 3 tháng. Với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ có thể ban hành luật hạn chế quyền đi lại trong khu vực mà không cần quốc hội thông qua.

Có thể số người chết sẽ còn tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có tới 20.000 người có thể đã chết và cảnh báo rằng có tới 23 triệu người bao gồm 1,4 triệu trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi trận động đất lớn, kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ.

Dự kiến số nạn nhân thiệt mạng sẽ còn tiếp tục tăng lên khi độ lớn của thảm họa này trở nên rõ ràng hơn. Một quan chức Liên hợp quốc nhận định có thể hàng nghìn trẻ em đã thiệt mạng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc hàng nghìn người thiệt mạng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do động đất đã vượt quá năng lực cứu hộ, cứu nạn của bất kì quốc gia riêng lẻ nào. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế cũng đẩy nhanh công tác hỗ trợ cho hai nước.

Hiện có hơn 12.000 nhân viên tìm kiếm và cứu hộ cùng với 9.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc tại các khu vực bị ảnh hưởng. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian trong điều kiện mùa Đông khắc nghiệt để cứu những nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát của những tòa nhà bị sập. Hơn 70 quốc gia đã đưa đội cứu hộ đến trợ giúp cùng nhiều viện trợ khác.

tm-img-alt
Lực lượng cứu hộ di chuyển một phụ nữ bị thương ra khỏi tòa nhà bị sập ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/2. Ảnh: Reuters.

Liên Hợp Quốc cho biết con đường dẫn đến hành lang cứu trợ nhân đạo duy nhất nối Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã bị hư hại do trận động đất, cản trở nỗ lực cứu trợ.

Ngày 7/2, Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã chỉ đạo Trung tâm Cứu trợ và viện trợ nhân đạo King Salman thiết lập một cầu hàng không để trợ giúp các nạn nhân của trận động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cầu hàng không sẽ giúp cung cấp các dịch vụ y tế, chỗ ở, thực phẩm và hỗ trợ hậu cần để giảm thiểu tác động của trận động đất đối với người dân ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc vương và Thái tử của Saudi Arabia cũng ra lệnh tổ chức một chiến dịch từ thiện thông qua Nền tảng Sahem của KSrelief.

Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã chỉ thị cử 5 máy bay quân sự chở hàng viện trợ y tế khẩn cấp tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để đóng góp cho các nỗ lực cứu trợ.

Trong hai cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống El-Sisi đã gửi lời chia buồn về những tổn thất về người do trận động đất gây ra, đồng thời nhấn mạnh Cairo sẵn sàng gửi viện trợ nhân đạo và hàng cứu trợ để giúp đỡ người dân Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng trong ngày 7/2, các chuyến máy bay cứu trợ đầu tiên của Jordan và Kuwait đã cất cánh chở đầy thiết bị cứu hộ, lều, vật liệu hậu cần và y tế cho các nạn nhân của trận động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Jordan đã cử một đội cứu hộ gồm 99 nhân viên thuộc Đội tìm kiếm và cứu nạn quốc tế của nước này cùng với 5 bác sĩ thuộc Dịch vụ y tế hoàng gia Jordan tham gia các hoạt động cứu nạn.

Hãng thông tấn Jordan (JNA) dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao và Kiều dân nước này khẳng định tổ chức từ thiện Jordan Hashemite (JHCO) đã liên hệ với chính quyền Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để gửi hàng viện trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng và cử các đội cứu hộ tham gia công tác tìm kiếm những người còn sống sót sau thảm họa động đất.

Trong khi đó, hãng thông tấn Kuwait (KUNA) đưa tin chuyến bay chở hàng viện trợ của nước này đã cất cánh tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/2, trong một nỗ lực trợ giúp các nạn nhân của trận động đất. Các nỗ lực cứu trợ của Kuwait được khởi động dưới sự chỉ đạo của Quốc vương Sheikh Nawaf Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah. Bộ Ngoại giao Kuwait giữ vai trò điều phối hoạt động viện trợ, trong khi quân đội chịu trách nhiệm vận chuyển nhân viên, máy móc và thiết bị cứu trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Hoạt động cứu trợ cũng có sự tham gia của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ và Bộ Y tế nước này.

Bộ ngoại giao Qatar ngày 7/2 cũng thông báo nước này sẽ viện trợ 10.000 căn hộ di động cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, "trong nỗ lực của Qatar góp phần hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do động đất tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ". Trước đó, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã ra lệnh lập cầu hàng không để hỗ trợ nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo CNN nhận định, thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 được xem là trận động đất mạnh nhất trong hơn 80 năm, cũng như một trong những trận động đất chết chóc nhất tại nước này. So sánh với các thảm họa động đất trên thế giới trước đây, trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 đã khiến hơn 22.000 chết và mất tích.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; trường hợp cần thiết có thể xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đúng bản chất của hàng hóa, dịch vụ.