Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 22/08/2022 10:55 (GMT+7)

Giá khí đốt ở châu Âu lại lập kỷ lục, Gazprom cảnh báo mức giá sẽ tăng 60% vào mùa đông

Ngày 16/8, Gazprom cảnh báo rằng, nếu xu hướng tăng giá năng lượng vẫn tiếp tục, 'theo các ước tính thận trọng', giá khí đốt ở châu Âu sẽ tăng 60% vào mùa đông năm nay.

Trang "Người quan sát" của Trung Quốc ngày 17/8 đưa tin, kể từ giữa tháng 7, giá khí đốt tự nhiên TTF ở Hà Lan - tiêu chuẩn khí đốt tự nhiên của châu Âu - đã không ngừng tăng cao. Tính đến ngày 16/8, giá khí đốt tự nhiên TTF ở Hà Lan đã đạt mức 234,50 euro/MWh, lại xác lập một kỷ lục mới. Điều đáng chú ý là cách đây một năm, giá khí đốt ở châu Âu chỉ ở mức 28,80 euro/MWh.

Giá khí đốt ở châu Âu lại lập kỷ lục, Gazprom cảnh báo mức giá sẽ tăng 60% vào mùa đông - Ảnh 1.
Tính đến ngày 16/8, giá khí đốt tự nhiên TTF ở Hà Lan đã đạt mức 234,50 euro/MWh. Nguồn: guancha.cn.

Cũng trong ngày 16/8, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã công bố báo cáo tình hình sản xuất và cung cấp khí đốt tự nhiên của công ty trong 7 tháng rưỡi đầu năm nay trên Telegram.

Theo đó, từ ngày 1/1 đến 15/8/2022, Gazprom đã sản xuất 274,8 tỷ mét khối khí tự nhiên, giảm 13,2% (41,7 tỷ mét khối) so với năm ngoái; căn cứ vào đơn đặt hàng, xuất khẩu của Gazprom sang Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) là 78,5 tỷ mét khối, giảm 36,2% (44,6 tỷ mét khối) so với cùng kỳ năm 2021.

Đồng thời, Gazprom cũng cho biết, nguồn cung cấp khí đốt của họ cho Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí "Sức mạnh Siberia" đang tăng lên.

Gazprom cuối cùng nhấn mạnh rằng, "trong giao dịch giao ngay ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đã vượt mốc 2.500 USD/nghìn mét khối. Theo các ước tính thận trọng, nếu xu hướng này tiếp tục, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu sẽ còn tăng nữa, vào mùa đông năm nay có thể tăng 60%, đạt mức trên 4.000 USD/nghìn mét khối".

Theo trang "Người quan sát", trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu hơn một nửa số sản phẩm năng lượng của họ; trong đó Nga cung cấp 41% khí đốt tự nhiên, 46% than đá và 27% dầu mỏ.

Theo thông tin công khai, Nga cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống cho 23 quốc gia châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết vào tháng 3, sự phụ thuộc vào năng lượng này sẽ tiếp tục trong ít nhất 5 năm, cho đến năm 2027.

Nhưng dòng năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, từ Nga sang châu Âu đã giảm hơn một nửa kể từ ngày 24/2, khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục. Ngoài ra, do việc đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc 1" liên tục bị cắt giảm công suất, các nước châu Âu cũng càng ngày càng lo ngại rằng Nga sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Hiện tại, chính phủ các nước châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.

Giá khí đốt ở châu Âu lại lập kỷ lục, Gazprom cảnh báo mức giá sẽ tăng 60% vào mùa đông - Ảnh 2.
Đức là nước mua khí đốt tự nhiên của Nga nhiều nhất thế giới. Ảnh: sohu.com.

Do chính sách cắt giảm điện hạt nhân và loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than trong những năm gần đây, Đức đã trở thành nước mua khí đốt tự nhiên của Nga nhiều nhất thế giới.

Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), Đức nhập khẩu hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Điều này cũng thúc đẩy Đức "tăng tốc" tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân và điện than, thúc đẩy các dự án nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng...

Theo tờ Politico EU, hiện tại, lượng khí đốt tại các kho dự trữ khí đốt của Đức đã đạt 77%. Nhưng để ứng phó với mùa đông sắp tới, chính phủ Đức đang đặt mục tiêu đạt 95% lượng khí đốt dự trữ vào ngày 1/11.

Ngoài ra, dữ liệu cho thấy Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Đức. Nhưng tờ Politico EU chỉ ra rằng, việc Na Uy thăng hạng đa phần liên quan đến việc Nga cắt giảm lượng khí đốt cần giao, chứ không phải do lượng khí đốt xuất khẩu của Na Uy tăng đáng kể.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nam Em có hành động khó hiểu khi livestream bán hàng
Nam Em là cái tên được nhắc đến khá nhiều thời gian qua, nguyên nhân xuất phát từ những ồn ào vạ miệng của cô nàng. Mới đây, quay trở lại mạng xã hội livestream bán hàng, Nam Em lại có hành động khó hiểu khiến nhiều người phải bàn tán.
Sẽ xem xét xóa bỏ độc quyền vàng miếng
Trong tờ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành đánh giá Nghị định này đã hoàn thành nhiệm vụ kể từ khi được ban hành. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thị trường, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cũng cần thay đổi để phù hợp. Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Đào Xuân Tuấn cho biết, một trong những nội dung được đề xuất trong dự thảo sửa đổi là xem xét xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và có thêm nhiều thương hiệu vàng khác.