Mối đe dọa kép từ Mỹ và Nga giáng xuống châu Âu: Giá khí đốt bất ngờ tăng vọt
Theo nhiều dự đoán, giá khí đốt ở châu Âu sẽ có nhiều biến động trong mùa sưởi ấm sắp tới.
Tờ Financial Times cho biết, nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu đã chịu một cú đúp vào hôm 14/6 khi một nhà ga xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn của Mỹ cho biết họ sẽ ngừng hoạt động trong ít nhất 3 tháng. Cùng với đó, Nga tuyên bố sẽ cắt giảm dòng chảy khí đốt của mình thông qua Nord Stream 1.
Mối đe dọa kép
Freeport LNG - chiếm khoảng 1/5 lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu của Mỹ và khoảng 10% lượng nhập khẩu của châu Âu trong năm nay cho biết vào hôm 14/6 rằng, quá trình sửa chữa sau một vụ nổ tại nhà máy của họ vào tuần trước có thể kéo dài tới cuối năm. Một phần của nhà máy có thể hoạt động lại sau khoảng 90 ngày.
Freeport trước đó nói rằng nhà máy của họ sẽ đóng cửa trong ba tuần sau vụ cháy.
Nhà máy này có công suất xử lý 20,4 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm, tương đương khoảng 17% tổng công suất hóa lỏng 118 tỷ mét khối khí tự nhiên/ năm của Mỹ.
Theo thỏa thuận do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố hồi tháng 3, Mỹ cam kết đảm bảo thêm 15 tỷ mét khối đến châu Âu trong năm nay.
Brussels cho biết họ sẽ đặt mục tiêu tăng nhu cầu hàng năm đối với LNG của Mỹ lên 50 tỷ m3 / năm vào cuối thập kỷ này.
Khí tự nhiên cần được hóa lỏng trước khi được chuyển vào các tàu chở dầu để vận chuyển đi khắp thế giới.
Đồng thời, Nga cho biết, họ sẽ giảm công suất trên đường ống Nord Stream 1 tới Đức của mình khoảng 40%, nói rằng việc cắt giảm là do công ty Siemens của Đức không trả lại kịp thời các máy nén khí (GCU) sau khi sửa chữa.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga hôm 14/6 cho biết trong một tuyên bố trên Telegram của mình rằng: "Nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống dẫn khí Nord Stream hiện có thể được cung cấp với số lượng khoảng 100 triệu mét khối/ngày". Công ty này cũng cho biết thêm, khối lượng cung cấp hàng ngày theo dự kiến của đường ống là khoảng 167 triệu mét khối.
Gazprom vẫn duy trì phần lớn xuất khẩu sang châu Âu nhưng đã cắt khách hàng ở Ba Lan và Bulgaria bởi họ từ chối sử dụng cơ chế thanh toán mới bằng đồng rúp. Một số công ty khác ở châu Âu đã chấp nhận hệ thống thanh toán mới này do lo ngại tác động của việc mất nguồn cung đối với nền kinh tế.
Giá khí đốt châu Âu biến động
Mối đe dọa kép đối với nhập khẩu khí đốt của châu Âu cho thấy khả năng bị gián đoạn nguồn cung của lục địa này khi cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga sau sự kiện hồi tháng 2 ở Ukraine.
Theo Financial Times, giá khí đốt tiêu chuẩn tại thị trường châu Âu đã tăng hơn 15% trong phiên giao dịch ngày 14/6, lên mức 99 Euro/megawatt giờ. Giá khí đốt giao tháng 7 tại Anh tăng 25%, lên mức 1,97 Bảng/therm. Giới giao dịch cũng cảnh báo về sự thắt chặt nguồn cung khí đốt trong những tháng sắp tới. Ngược lại, khí đốt tự nhiên của Mỹ đã giảm hơn 15%.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt trong năm ngoái sau khi Nga siết chặt nguồn cung trước sự kiện hồi tháng 2 và do lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung ngày càng tăng đã gây ra lạm phát và khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho nhiều quốc gia.
Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng tránh nhắm trực tiếp vào các dòng khí đốt của Nga bằng các lệnh trừng phạt ngay cả khi khối này đã cắt giảm sự phụ thuộc của mình.
Tuy nhiên, công ty Siemens Energy của Đức cho biết hôm 14/6 rằng các tuabin khí mà họ cung cấp cho Gazprom của Nga để giúp nén khí trên đường ống Nord Stream 1 đã bị trừng phạt bởi các lệnh trừng phạt của Canada sau khi được bảo trì tại nhà máy ở Montreal.
Ottawa tuần trước đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga để cấm cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các ngành công nghiệp dầu khí và hóa chất của nước này.
Siemens Energy cho biết: “Do các lệnh trừng phạt do Canada áp đặt, Siemens Energy hiện không thể giao các tuabin khí cho khách hàng. Chúng tôi đã thông báo với chính phủ Canada và Đức và đang tìm kiếm một giải pháp khả thi."
Giá khí đốt của châu Âu thời gian gần đây (trước khi 2 sự cố xảy ra) đã ổn định sau khi tăng mạnh thời gian trước đó do gần đây, nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bổ sung đã được chuyển đến châu Âu nhằm tái tạo lượng khí dự trữ trước mùa đông.