Giao xe cho trẻ vị thành niên đối mặt nhiều hệ luỵ
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2018, tại các khoản 9, 10 của Điều 8, các hành vi bị nghiêm cấm rất cụ thể như điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định… hay giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ. Hành vi điều khiển phương tiện giao thông nói chung và mô tô, xe gắn máy nói riêng khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật, nguy cơ tiềm ẩn rất nhiều hệ luỵ.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đã đạt được những kết quả nhất định, điều này góp phần tác động mạnh mẽ đến ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong lứa tuổi vị thành niên, học sinh vẫn còn diễn ra và có chiều hướng gia tăng.
Ngoài ra, phải nói đến trách nhiệm của phụ huynh phần nào, việc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường, nhất là đối với trẻ vị thành niên, học sinh, vì ở lứa tuổi này thể chất, nhân cách của các em chưa phát triển đầy đủ, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, có tâm lý dễ bị lôi kéo, kích động nên dẫn đến các hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông như: Lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, bốc đầu, nẹt pô, đua xe… có thể dẫn đến tai nạn, thiệt hại về tài sản và gây nguy hiểm đến tính mạng cho chính bản thân và những người xung quanh.
Mới đây nhất, vào tối 19/01, trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, 3 nam thanh niên chưa đủ 18 tuổi đang điều khiển xe máy có dung tích xilanh trên 50 cm3 (cc) phóng nhanh, vượt ẩu trên quốc lộ, bất ngờ tông vào 2 trẻ em đi xe đạp qua đường rồi tiếp tục lao vào đuôi ôtô con đang dừng đỗ bên đường.
Vụ việc khiến 3 nam thanh niên trên xe máy phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Xe ôtô đang dừng đỗ bên đường có đèn cảnh báo nhưng cũng bị hư hại. Có thể thấy, một sự việc trên nhưng dẫn đến rất nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến nhiều người.
Trước đó, khoảng 19h40 phút, ngày (17/01), em Đ.Đ.V (SN 2006, trú tại xã Thạch Trung, học sinh lớp 12 của một trường THPT trên địa bàn TP Hà Tĩnh), điều khiển xe máy với tốc độ cao, khi gặp chốt cảnh sát giao thông, nam sinh này không chấp hành hiệu lệnh mà tiếp tục điều khiển xe với tốc độ nhanh, vượt qua 2 đồng chí CSGT đang làm nhiệm vụ ra tín hiệu rồi đâm trực diện vào Thiếu tá H.S.T. (cán bộ Phòng CSGT) khiến vị Thiếu tá này phải nhập viện cấp cứu. Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đ.Đ.V về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.
Phụ huynh lẫn học sinh có thể chịu tránh nhiệm hình sự
Trao đổi với PV Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019, người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự. Đồng thời, Luật cũng nghiêm cấm hành vi giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.
Theo Luật sư, khi vi phạm những quy định trên thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ phương tiện (phụ huynh) lẫn người điều khiển xe (học sinh) có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có.
Về phía chủ xe:
Theo điểm đ khoản 5 điều 30 Nghị định 03/VBHN-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ thì chủ xe có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng (đối với cá nhân) và từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng (đối với tổ chức) đối với hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.
Nếu hành vi giao xe trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (không áp dụng với pháp nhân thương mại). Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng và cao nhất là 07 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Về phía người điều khiển xe:
Theo khoản 1 và điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định 03/VBHN-BGTVT quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới thì phạt cảnh cáo (đối với người từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi) và phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (đối với người từ đủ 16 tuổi - dưới 18 tuổi) khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có dung tích xilanh từ 50 cm3 (cc) trở lên.
Nếu hành vi điều khiển xe gây tai nạn mà có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo điều 260 Bộ luật Hình sự quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng và cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với loại tội danh theo Điều 260 này.
Nhìn nhận thêm trên thực tế, Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh, dù chưa đủ tuổi điều khiển các phương tiện giao thông theo quy định, song hiện nay nhiều bậc phụ huynh vô tư giao xe mô tô, thậm chí giao cả xe ô tô cho con dưới 18 tuổi điều khiển. Một số học sinh khi được giao xe còn chở nhau lạng lách, rồ ga, không đội mũ bảo hiểm…
"Đây là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng", Luật sư khẳng định.
Ngoài ra, với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, người phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu có tai nạn xảy ra không ai khác chính là phụ huynh và học sinh.
Đáng nói, trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra, các em học sinh sẽ phải bỏ dang dở việc học hành, sống phụ thuộc vào gia đình, đây là những hệ luỵ mà phụ huynh cần nhận biết.
Luật sư cho rằng, nguyên nhân khiến tình trạng trên còn phổ biến là do các nhà trường chưa ngăn chặn triệt để, trong khi đó lỗi trực tiếp xuất phát từ các bậc cha mẹ.
Theo Luật sư, nhà trường và chính quyền địa phương cần tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh biết sự nguy hiểm của việc học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.
"Bên cạnh đó, cần nâng chế tài xử phạt đối với phụ huynh nếu họ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển", luật sư nêu quan điểm.