Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 10/10/2021 09:57 (GMT+7)

Hà Nội đã ghi nhận 62 ca Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Việt Đức

Tính từ ngày 30/9 đến 6h ngày 10/10, Hà Nội đã ghi nhận 62 ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan đến Bệnh viện Việt Đức, trong đó có 50 ca phát hiện ở Hà Nội và 12 ca tại các tỉnh khác.

Sáng 10/10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tính đến 6h sáng cùng ngày trên địa bàn thành phố ghi nhận 1 ca dương tính SARS-CoV-2 mới tại quận Hoàn Kiếm đã được cách ly thuộc chùm liên quan đến Bệnh viện Việt Đức.

Bệnh nhân là T.T.H, nữ, sinh năm 1959, ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. BN là người nhà vào chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Việt Đức từ ngày 27/9.

Ngày 5/10, được chuyển cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngày 8/10, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính (Bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện).

Như vậy, liên quan đến Bệnh viện Việt Đức, tính từ ngày 30/9 đến 6h ngày 10/10, đã ghi nhận 62 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 50 ca được phát hiện tại Hà Nội và 12 ca ghi nhận tại các tỉnh khác, gồm: Nam Định (7), Hà Tĩnh (2), Hưng Yên (1), Hải Dương (2).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) là 4.038 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.606 ca, số mắc là người đã được cách ly 2.432 ca.

Tính đến 18h ngày 9/10, Hà Nội tiếp tục rà soát ghi nhận thêm 19 trường hợp F1.

Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 673 điểm phong tỏa, trong đó số điểm đang phong tỏa là 13 (thêm 1 điểm phong tỏa so với ngày trước đó).

Cũng theo báo cáo của ngành y tế Hà Nội về cách ly, hiện trên địa bàn thành phố còn 2.797 người đang cách ly (giảm 557 người so với hôm trước đó), trong đó, có 1.094 người tại khu cách ly tập trung cho F1 và người về từ vùng dịch; 65 người tại khu cách ly tập trung do quân đội quản lý, 1.557 người cách ly tại khách sạn, 81 người tại khu cách ly dành cho tổ bay.

Về tiêm chủng, ngày 9/10, Hà Nội đã tiêm được 167.181 mũi; trong đó có 3.829 mũi 1 và 163.352 mũi 2.

Đến nay, các quận, huyện, thị xã tiêm được hơn 7,23 triệu mũi, trong đó có hơn 5,1 triệu mũi 1 và hơn 2,16 triệu mũi 2. Các bệnh viện trung ương trên địa bàn thành phố tiêm được 1.159.840 mũi, trong đó có 792.138 mũi 1 và 367.702 mũi 2.

Như vậy, tổng số Hà Nội hiện đã tiêm được hơn 8,43 triệu mũi, trong đó có gần 5,9 triệu mũi 1 (đạt 97,9% dân số trên 18 tuổi và 71% tổng dân số), tiêm được hơn 2,53 triệu mũi 2 (đạt 42,1% dân số trên 18 tuổi và 30,6% tổng dân số).

Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức, theo CDC Hà Nội, ngày 30/9 phát hiện ca mắc đầu tiên là người đàn ông 49 tuổi, quê huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đến chăm sóc người thân tại khoa Ung bướu, từ ngày 19/9.

Trước khi vào viện, ông này test kháng nguyên âm tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 29/9, Bệnh viện Việt Đức xét nghiệm test nhanh cho ông trước khi ra viện, kết quả nghi ngờ, sau đó CDC Hà Nội khẳng định lại dương tính.

Ngay lập tức, cơ quan chức năng đã phong tỏa tòa D (nơi ghi nhận ca bệnh), lấy mẫu toàn bộ người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế trong tòa nhà, khoảng 1.400 người. Quận Hoàn Kiếm cũng chỉ đạo phường Hàng Trống đóng cửa các cửa hàng dọc phố Phủ Doãn.

Đồng thời, thành phố tạm thời phong tỏa, điều tra các hộ dân và cơ sở kinh doanh trên đoạn phố này để lấy mẫu xét nghiệm. Trong những ngày tiếp theo, lực lượng chức năng mở rộng diện xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm lặp lại để không bỏ sót F0.

Các bệnh nhân được phân bố tại các khoa điều trị của bệnh viện, gồm: Trung tâm phẫu thuật đại trực tràng tầng sinh môn (tầng 7 nhà D); Khoa Phẫu thuật tiêu hóa (tầng 7 nhà D); Khoa Ung bướu (tầng 8 nhà D); Khoa Hồi sức tích cực 2; Phòng Ghép tạng; Nhà ăn bệnh viện và khu vực phong tỏa phố Phủ Doãn.

Cơ quan y tế đã lấy 18.385 mẫu xét nghiệm gồm nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân hiện ở trong bệnh viện; người dân khu vực xung quanh BV và những người về từ BV nửa tháng qua.

Bước đầu xác định tổng cộng gần 9.000 người liên quan đến Bệnh viện Việt Đức, trong đó có hơn 4.000 người tại các tỉnh thành ngoài Hà Nội.

Đêm 4/10, rạng sáng 5/10, hơn 1.000 bệnh nhân và người nhà cách ly tại Bệnh viện Việt Đức đã được chuyển đến 4 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, gồm Thanh Nhàn, Đại học Y, Hà Đông, Đức Giang để đảm bảo giãn cách.

Cùng chuyên mục

Một số món ăn nhẹ có ích cho người bệnh đái tháo đường
Chúng ta biết, việc ăn đúng giúp chế độ duy trì được lượng đường máu phù hợp, không gây thừa đường, gây nhiễm độc đường hoặc không gây ra hạ đường máu do thực hiện chế độ ăn khắc khổ, thiếu năng lượng. Người bệnh đái tháo đường nên ăn chính vào bữa ăn sáng, trung bình vào bữa ăn trưa, ăn nhẹ vào bữa ăn tối (mức độ dựa vào lượng tinh bột - mức carbohydrates). Với bữa ăn phụ cần hợp lý với giai đoạn bệnh, nghề nghiệp và thói quen dinh dưỡng.
Hơn 500 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai được chủ cửa hàng bánh mì thanh toán viện phí
Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cửa hàng bánh mì B. (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) khiến hơn 500 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, ngày 16/5, ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, bước đầu chủ cơ sở bánh mì đã khắc phục hậu quả, thanh toán hơn 580 triệu đồng viện phí cho các bệnh nhân.

Tin mới

Cảnh báo thuốc lá điện tử chứa ma túy 'đầu độc' giới trẻ
Theo Bộ Công an, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử có pha trộn, phun tẩm ma túy (cần sa tổng hợp) đang diễn biến phức tạp, nhất là trên không gian mạng. Đối tượng sử dụng chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, số đối tượng, tang vật bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ tăng mạnh về số lượng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.