Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 16/04/2024 11:19 (GMT+7)

Hà Nội sẽ thay thế tuyến buýt BRT bằng đường sắt đô thị

Theo quy hoạch chung Thủ đô đang được điều chỉnh, TP Hà Nội sẽ thay thế tuyến buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) hiện hữu bằng đường sắt đô thị.

Chiều 15/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” trên địa bàn Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của quy hoạch chung Thủ đô, đồng bộ với quy hoạch Thủ đô; trong đó bổ sung 24 tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Liên quan đường sắt đô thị, ông Dương Đức Tuấn cho hay, Hà Nội sẽ quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km. Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là “xương sống” của giao thông đô thị. Với tuyến BRT, theo điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ tập trung cao độ nguồn lực để hoàn thành 7 dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, kết nối vùng. Cùng đó, chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025-2026 lên khoảng 30%.

tm-img-alt
Theo điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội sẽ thay thế tuyến buýt BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị. (Ảnh: Internet).

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trên địa bàn hiện có 156 tuyến xe buýt, tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã, kết nối 6 tỉnh, thành phố lân cận.

Đến năm 2023, số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô giảm xuống còn 33 điểm. Trong năm 2024, ngành giao thông tập trung xử lý 5 điểm đen về tai nạn.

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đánh giá TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phòng, chống ùn tắc giao thông; tình hình tai nạn giao thông giảm dần cả 3 tiêu chí; ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong cho rằng, sức ép với giao thông tại Thủ đô là rất lớn với số lượng phương tiện đông, lưu thông trong giờ cao điểm rất khó khăn; hạ tầng giao thông, quỹ đất cho giao thông còn hạn chế; việc thi công các công trình, dự án trọng điểm về giao thông vẫn bị kéo dài.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An lại nêu vấn đề: Liệu thành phố có thực hiện quy hoạch 8 tuyến BRT còn lại hay không khi có nhiều ý kiến trái chiều?

“Nếu thực hiện thì điều gì cần rút kinh nghiệm khi ảnh hưởng của hạ tầng BRT đến giao thông chung là có”, ông Trịnh Xuân An nói.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết trong giai đoạn 2009 đến 2023, đặc biệt từ khi mở rộng địa giới hành chính, cả 7/7 tuyến cao tốc hướng tâm (hơn 110 km, 8/8 tuyến quốc lộ hướng tâm với gần 245 km) đã được đầu tư, đưa vào khai thác.

Bảy tuyến đường vành đai đã và đang được đầu tư, trong đó vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ vùng Thủ đô đã khởi công vào tháng 6/2023. 4 trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm: Hồ Tây - Ba Vì; Tây Thăng Long; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Hà Đông - Xuân Mai cũng đang được khẩn trương đầu tư.

Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho các hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc. Đó là Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên...

Tuyến BRT số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa được Hà Nội đưa vào hoạt động từ tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng).

Tuyến BRT số 01 có chiều dài hơn 14km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sau nhiều năm vận hành, tuyến buýt nhanh chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, tuyến buýt này đang gây bất cập, lãng phí hạ tầng giao thông khi chuyên chở được ít nhưng chiếm nhiều diện tích đường.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Không tái ký hợp đồng lao động, công ty phải báo trước bao nhiêu ngày?
Theo quy định của pháp luật, công ty phải thông báo trước bao lâu về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động được biết? Trường hợp, mai hết hạn hợp đồng lao động nhưng nay công ty mới thông báo cho người lao động về việc không ký tiếp hợp đồng thì có được hay không?
Người đi bộ vi phạm giao thông sẽ bị xử lý thế nào?
Khi lái xe trên đường cao tốc, tôi thấy nhiều người đi bộ bắt xe, đi bộ tập thể dục trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc, hành vi này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Bộ Công an cho hỏi, nếu người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử lý như thế nào?