Hà Nội tăng giá xe buýt sau 10 năm giữ nguyên
Lần gần nhất Hà Nội điều chỉnh giá vé xe buýt là từ năm 2014, cách đây 10 năm.
Theo Dân Trí, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa ký quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 1/11.
Theo đó, giá vé xe buýt Hà Nội cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/lượt.
Với những tuyến có cự ly từ 25km đến dưới 30km, giá vé tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/lượt; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.
Với vé tháng, vé tháng bán cho đối tượng ưu tiên bao gồm học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (không kể hệ đào tạo vừa học vừa làm), công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng); liên tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng).
Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Giá vé tháng bán cho các đối tượng không ưu tiên đi một tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng), liên tuyến là 280.000 đồng (hiện là 200.000 đồng).
Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.
Được biết, lần gần nhất Hà Nội điều chỉnh giá vé xe buýt là cách đây 10 năm, từ năm 2014.
Theo báo Lao Động, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, cơ cấu vé và giá vé xe buýt được áp dụng từ ngày 1/5/2014 đến nay đã không còn phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Bỡi lẽ, thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014, mạng lưới buýt có 72 tuyến và nhánh tuyến, trong đó tuyến dài nhất là 49,9km. Hiện tại, mạng lưới buýt đã có 132 tuyến, phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, trong đó tuyến có cự ly dài nhất lên tới 61,05km.
Các tuyến cự ly 30 - 60km có mức giá như nhau là chưa hợp lý. Giá vé xe buýt hiện nay được đánh giá là tương đối thấp với khả năng chi trả cho đi lại của người dân kể cả người lao động có thu nhập thấp.
Trong những năm gần đây mức thu nhập bình quân của người dân Hà Nội đã tăng đáng kể, từ năm 2014 đến nay mức lương cơ bản đã điều chỉnh tăng 7 lần (từ 1.150.000 đồng lên 2.340.000 đồng, tỉ lệ tăng 103%). Trong khi đó, chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014 (Trong những năm qua các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… tăng cao so với trước đây). Do đó, việc áp dụng giá vé xe buýt từ năm 2014 là không còn phù hợp.
Cũng theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội, việc điều chỉnh giá vé xe buýt tại thời điểm hiện nay là rất cần thiết, phù hợp trong giai đoạn này nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo động lực đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt; Tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo chi phí trợ giá cho xe buýt ở mức hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đảm bảo được mục tiêu của dịch vụ công ích; Đảm bảo sự hài hòa giữa doanh thu từ vé lượt, vé tháng và chi phí đi lại giữa người sử dụng phương tiện xe buýt với các phương tiện khác.