Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 11/02/2025 05:40 (GMT+7)

Hà Nội xem xét điều chỉnh lịch học trong trường hợp nhiệt độ xuống quá thấp

Ngày 10/02, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 393/UBND-KGVX về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao Sở Y tế theo dõi sát tình hình thời tiết, diễn biến rét đậm, rét hại trên địa bàn để có khuyến cáo kịp thời cho người dân. Đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thành phố và đơn vị liên quan tăng cường phổ biến hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh của Bộ Y tế cho cộng đồng và người lao động cho cán bộ y tế các cấp, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, nhằm tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn các biện pháp dự phòng chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động bằng nhiều hình thức phù hợp và có hiệu quả tại địa phương.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với Sở Y tế và cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thành phố tăng cường các biện pháp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bảo vệ sức khoẻ trong mùa lạnh cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo thông tin được phổ biến rộng khắp và hiệu quả; chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở cập nhật và đăng tải đầy đủ, chính xác các nội dung tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe mùa lạnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho học sinh, đảm bảo đủ điều kiện giữ ấm trong lớp học; phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn giáo viên, cán bộ y tế trường học tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về cách bảo vệ sức khỏe trong thời tiết lạnh; xem xét phương án điều chỉnh lịch học trong trường hợp nhiệt độ xuống quá thấp theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dưỡng trẻ em và người cao tuổi thực hiện các biện pháp bảo đảm sức khỏe cho các đối tượng; tăng cường kiểm tra điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của các đối tượng tại các trung tâm bảo trợ xã hội, đảm bảo đầy đủ vật dụng giữ ấm cần thiết phục vụ sinh hoạt.

Sở Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu thi công trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ sức khỏe công nhân trong điều kiện thời tiết lạnh; bảo đảm công tác giữ ấm, phòng chống rét cho công nhân tại các công trường xây dựng, đặc biệt chú trọng điều kiện ăn ở, sinh hoạt, cung cấp đầy đủ vật dụng giữ ấm cần thiết; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rét tại công trường, hướng dẫn người lao động tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu UBND TP. Hà Nội hướng dẫn việc đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống rét và bảo vệ sức khỏe người dân; căn cứ quy định pháp luật hiện hành kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nhằm đảm bảo đầy đủ phương tiện phục vụ khám, chữa bệnh và ứng phó với tình huống khẩn cấp do thời tiết lạnh gây ra…

UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân trong điều kiện rét đậm, rét hại; kiểm tra và giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe tại những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh như trường học, bệnh viện, cơ sở bảo trợ xã hội, khu làm việc ngoài trời và chợ dân sinh, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra rủi ro đối với sức khỏe do nhiệt độ lạnh gây ra như trường học, bệnh viện, cơ sở bảo trợ xã hội, khu lao động ngoài trời, chợ dân sinh... để hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe; phối hợp với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn quận, huyện tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là người già, trẻ em, lao động ngoài trời thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe mùa lạnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để đảm bảo thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.

Cùng chuyên mục

Hà Nội: Yêu cầu nhà trường kiểm tra, sửa chữa kịp thời phòng học bảo đảm giữ ấm cho học sinh
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; các trường trực thuộc, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên yêu cầu tăng cường biện pháp bảo vệ sức khỏe học sinh trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại.
Cần thiết phải quy định cấm dạy thêm dưới mọi hình thức
Liên quan đến quy định về “hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức” trong dự thảo Luật Nhà giáo, luật sư khẳng định đây là nội dung rất cần thiết và nên có quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể hơn khi được áp dụng, đặc biệt là vấn đề tự nguyên tham gia học thêm có thể bị các đối tượng lợi dụng, lách luật.
Dự thảo Luật Nhà giáo: Cần chấm dứt tình trạng dạy thêm
Theo các chuyên gia, việc dạy thêm có thể mang lại các lợi ích nhất định cho học sinh nếu được thực hiện đúng cách và dưới sự quản lý chặt chẽ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hướng đến việc định rõ và quy định rõ ràng về hoạt động dạy thêm, đồng thời tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy thêm và đảm bảo rằng nó mang lại giá trị thực sự cho sự phát triển học tập của học sinh.

Tin mới

Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông: Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 12/2, vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 7 giờ, tâm áp thấp nhiệt đới khoảng 12 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc Trường Sa, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8.
Đình chỉ lưu hành và thu hồi sản phẩm Gel tắm gội Permerin 1 của An Nhi
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành công văn số 405/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy sản phẩm Gel tắm gội Permerin 1 (Nhãn hàng: An Nhi) do Công ty TNHH Dược phẩm An Nhi và Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Quang Xanh sản xuất và phân phối. Sản phẩm này có chứa chất thuộc nhóm thuốc diệt côn trùng, không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của pháp luật.
Xử lý như nào đối với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu lễ hội?
Hiện nay là thời điểm diễn ra mùa lễ hội đầu xuân tại nhiều địa phương trên cả nước. Dịch vụ ăn uống trong các lễ hội thường mang tính chất thời vụ nên không được đầu tư đầy đủ, thường thiếu chuyên nghiệp và xuất hiện nhiều hộ kinh doanh cá thể, thiếu các yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm. Vậy, theo quy định của pháp luật, xử lý như nào đối với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu lễ hội?
Cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo đặt phòng khách sạn trong cao điểm du xuân
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đầu năm là khoảng thời gian cao điểm khi nhu cầu đi du xuân của người dân tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để các đối tượng lừa đảo du lịch, bán vé máy bay, vé tàu và phòng khách sạn giả mạo tiếp diễn những chiêu trò của mình.