Hàng triệu người lao động Mỹ bị ảnh hưởng trước nguy cơ chính phủ đóng cửa
Hàng triệu người Mỹ có khả năng bị chậm lương và các khoản trợ cấp xã hội trong bối cảnh chính phủ nước này đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa khi phe cánh hữu của đảng Cộng hòa tìm cách ngăn chặn việc thông qua một biện pháp ngân sách tạm thời tại Quốc hội.
Cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách ở quốc hội thường biến thành cuộc đối đầu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, khi mỗi bên đều dựa vào kịch bản chính phủ đóng cửa để tìm kiếm sự nhượng bộ từ đảng còn lại cho đến khi hai bên đạt được giải pháp vào phút chót.
Tuy nhiên, lần này, bế tắc lại xuất phát từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, trong đó có gói viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine. Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Mỹ đã không thể thông qua một loạt dự luật về ngân sách cấp cho tài khóa 2024 bắt đầu vào ngày 1/10 tới, do vấp phải sự phản đối của phe cánh hữu có quan điểm cắt giảm mạnh chi tiêu. Thậm chí, đảng Cộng hòa cũng không đạt được đồng thuận về dự luật ngân sách tạm thời với mức chi tiêu tương đương tài khóa 2023 để duy trì hoạt động của chính phủ đến hết ngày 30/9.
Bất đồng giữa các nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện liên quan đến vấn đề cấp ngân sách hoạt động cho chính phủ đang đẩy nước Mỹ đến nguy cơ gián đoạn chi trả cho quân đội, lực lượng hành pháp, các chương trình an toàn và hỗ trợ thực phẩm, xử lý các vấn đề hộ chiếu, lữ hành. Điều này có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ.
Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa được cho là sẽ ảnh hưởng đến người lao động làm việc tại các công viên quốc gia, bảo tàng và các cơ sở hoạt động bằng nguồn tài trợ của liên bang. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack ngày 25/9 cảnh báo gần 7 triệu phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị cắt các khoản trợ cấp xã hội trong những ngày hoặc những tuần tới, nếu Quốc hội không thông qua được một dự luật ngân sách cho tài khóa tiếp theo.
Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's cùng ngày cảnh báo việc Chính phủ Mỹ đóng cửa có thể làm giảm mức xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Moody's nhấn mạnh: "Việc đóng cửa kéo dài sẽ gây gián đoạn hoạt động của nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ, đe dọa khả năng chi trả nợ của chính phủ nước này".
Trước đây, Chính phủ Mỹ cũng từng có những giai đoạn đóng cửa, trong đó có khoảng thời gian 35 ngày từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump - dài nhất trong lịch sử Mỹ, do bất đồng giữa ông Trump và Quốc hội Mỹ khi đó về Dự luật chi tiêu chính phủ.