Hoài Đức: Người dân 'ngã ngửa' vì hóa đơn tiền điện tăng ‘đội biến'
Nhiều gia đình phản ánh, lượng điện tháng 6 và tháng 5 dùng tương đương nhưng số điện tháng 6 lại gấp đôi số tiện tháng 5.
Nhận được hóa đơn tiền điện, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (ngụ tại chung cư Gemek II, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) giật mình vì số điện tháng 6 gần tăng gấp đôi tháng 5.
“Nhà tôi chủ yếu sử dụng 1 điều hòa phòng ngủ, phòng khách rất ít khi bật. Tháng 5 cũng dùng như vậy chỉ hết 348 số (tương đương với 768.000 đồng), tháng 6 lại nhảy lên 578 số (1.500.000 đồng). Tháng 4 nhà tôi chỉ dùng hết 193 số). Tôi thắc mắc tại sao dùng cùng lượng điện mà tháng này cao gần gấp đôi tháng trước”, chị Hương nói với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Chị này cho biết, mấy ngày qua, trên nhóm cư dân chung cư chị cũng rất nhiều người tiền điện tháng 6 tăng gấp đôi tháng 5.
Thậm chí có gia đình tháng 6 còn tăng gấp 3 lần so với tháng 5. “Tháng này nhà em tăng gấp 3 lần. Chiều thợ điện lên kiểm tra đất các bác ạ. Các bác thông báo gọi điện lực đi”, một người tài khoản M.T đang sống tại chung cư Gemek II cho biết. Theo người này, tháng 4 chỉ dùng hết 600.000 đồng, tháng 5 dùng hết hơn 1 triệu còn tháng 6 thì dùng hết gần 2,8 triệu đồng
Cùng cảnh ngộ, chị M.N đăng trên nhóm cư dân: “Em nhìn tiền điện mà choáng quá các bác ạ. Tháng 4 nhà em 900.000 đồng. Tháng 5 nhà em 1.777.000 đồng, tháng 6 nhà em 2.460.000 đồng. Trong khi đó, tháng 5 và 6 dùng như nhau. Có nhà bác nào như nhà em không ạ. Làm sao để kiện ông điện lực được ạ?”.
Trước đó, có lẽ để cư dân bớt “sốc” khi nhìn nhận được hóa đơn tiền điện, Công ty điện lực Hoài Đức đã gửi trước một bản thông báo đến các cư dân. Theo họ, do thời tiết nắng nóng nên lượng điện tiêu thụ tăng 130% so với tháng liền kề trước đó. Tuy nhiên, theo các cư dân, lý do nắng nóng của điện lực Hoài Đức được coi là lý do “muôn thuở”.
“Chúng tôi yêu cầu Công ty điện lực Hoài Đức cần phải đưa ra lý do thuyết phục hơn. Bởi nhiều người tháng 5 và tháng 6 dùng giống nhau tại sao hóa đơn tháng 6 lại tăng gấp đôi. Hơn nữa, họ cần phải mang đồng hồ đi kiểm tra”, chị Hương nói.
Trước đó, phản ánh với báo Ngày Nay, anh Ngô Hồng Ngọc (Khu đô thị Splendora An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bức xúc cho biết: gia đình anh bất ngờ nhận thấy hoá đơn tiền điện của gia đình anh có những điều bất thường kể từ thời điểm sau Tết Nguyên đán. Mặc dù, gia đình anh đi vắng 16 ngày (số ngày đi vắng nằm trong khoảng thời gian công ty điện lực ghi chỉ số), tức là gia đình anh chỉ sử dụng điện trong 14 ngày còn lại của tháng mà thôi, thế nhưng tiền điện của gia đình anh lại vẫn ở mức cao ngất ngưởng, thậm chí còn cao hơn cả khi cả gia đình có mặt ở nhà và sử dụng điện.
Đáng chú ý, phải kể đến thời điểm cả nhà anh Ngọc đi du lịch, không có bất kỳ thiết bị điện nào trong gia đình anh Ngọc được sử dụng cả; đến lúc kết thúc kỳ nghỉ trở về nhà thì thời tiết cũng vẫn đang còn khá lạnh nên gia đình anh hầu như không hề sử dụng điều hoà. Theo anh Ngọc, việc tiền điện của gia đình anh lên tới hơn 3 triệu đồng vào thời điểm đó là hết sức vô lý và có nhiều dấu hiệu bất minh.
Trước đó, chiều 22/6, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bộ trưởng Bộ Công thương có trách nhiệm bảo đảm nguồn và lưới điện cho phát triển đất nước, lên phương án cụ thể và chịu trách nhiệm đến cùng trong chỉ đạo thực hiện.
Trước thông tin dư luận phản ánh về việc thời gian qua hóa đơn tiện điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN làm rõ; bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.
Báo cáo Thủ tướng, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng xác minh các trường hợp có tiền điện tăng cao để trả lời, giải thích cho cho người dân một cách công khai.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.