Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 14/04/2025 08:28 (GMT+7)

Khởi tố 8 người trong đường dây sữa bột giả: Ai là chủ mưu?

Đường dây sữa giả hoạt động tinh vi với hệ thống 9 công ty bình phong, đặt nhà máy tại Hà Nội và phân phối sản phẩm khắp cả nước từ năm 2021.

Tối 12/4, Bộ Công an thông tin rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) đang tiến hành điều tra một vụ án nghiêm trọng liên quan đến việc sản xuất và buôn bán hàng giả, cụ thể là sữa bột giả, xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, cùng nhiều cơ quan và tổ chức khác tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Trong quá trình khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất và văn phòng của các nghi phạm, cơ quan công an đã thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột giả với tổng cộng 26.740 lon, thuộc 90 lô sản xuất, cùng nhiều tài liệu và tang vật liên quan đến hoạt động phạm pháp.

Cảnh sát đang thực hiện việc kiểm đếm hàng nghìn sản phẩm sữa bột giả thuộc nhiều loại khác nhau đã bị thu giữ. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân
Cảnh sát đang thực hiện việc kiểm đếm hàng nghìn sản phẩm sữa bột giả thuộc nhiều loại khác nhau đã bị thu giữ. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân.

Trên cơ sở tài liệu điều tra, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam 4 tháng đối với ba đối tượng gồm Hoàng Mạnh Hà – Giám đốc, người đại diện pháp luật Công ty Rance Pharma giai đoạn từ tháng 8-2021 đến tháng 8-2024, đồng thời là cổ đông của Công ty Hacofood; Vũ Mạnh Cường – Giám đốc, người đại diện pháp luật Công ty Hacofood từ tháng 4-2022 đến tháng 10-2024, đồng thời là cổ đông Công ty Rance Pharma; và Đặng Trung Kiên – Phó giám đốc của cả hai công ty. Cả ba bị khởi tố về hai tội danh: sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm – cụ thể là sữa giả – và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, bốn người khác cũng bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, gồm Hồ Sỹ Ý – cổ đông điều hành nhà máy, bị khởi tố thêm tội sản xuất, buôn bán sữa giả; Nguyễn Thành Luân – Giám đốc và người đại diện pháp luật của Công ty Rance Pharma từ tháng 8-2024; Nguyễn Văn Tú – Giám đốc và người đại diện pháp luật của Công ty Hacofood từ tháng 10-2024; và Nguyễn Thu Thủy – kế toán trưởng của cả hai công ty. Riêng Nguyễn Thị Mai Hương, nhân viên kế toán kiêm thủ quỹ, bị khởi tố nhưng chỉ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cơ quan điều tra đã tiến hành làm việc với Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty Rance Pharma. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân
Cơ quan điều tra đã tiến hành làm việc với Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty Rance Pharma. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood đã không kê khai doanh thu vào sổ sách kế toán, trốn nộp thuế, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, hai đối tượng chủ mưu là Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà còn trực tiếp thành lập và điều hành một “hệ sinh thái” gồm 9 công ty, nhằm hợp pháp hoá hoạt động sản xuất và phân phối sữa bột giả. Họ đặt nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), sau đó dùng danh nghĩa các công ty trong “hệ sinh thái” để đăng ký sản phẩm, quảng bá, và tiêu thụ các loại sữa giả trên thị trường.

Các công ty trong hệ thống này bao gồm: Công ty Cổ phần Dược quốc tế Group, Big Four Pharma, Long Khang Group, BFF, Safaco Group, Darifa Group, Win CT, Phúc An Khang và Dược Á Châu. Mỗi công ty đều đóng vai trò trung gian trong chuỗi sản xuất, công bố, và phân phối hàng hóa, khiến việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn.

Vụ án hiện đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng, điều tra thêm các đối tượng liên quan cũng như làm rõ toàn bộ quy mô đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả đã tồn tại và lẩn tránh pháp luật suốt nhiều năm qua.

Cùng chuyên mục

Vụ ‘Gây rối trật tự công cộng’ tại huyện An Dương, TP. Hải Phòng: Các bị cáo kháng cáo, người nhà kêu cứu
Được biết, ngày 26/12/2024, TAND huyện An Dương, TP. Hải Phòng đã xét xử công khai vụ án “Gây rối trật tự công cộng” và tuyên phạt các bị cáo lần lượt từ 30 đến 42 tháng tù giam. Sau đó, các bị cáo đã kháng cáo và người nhà có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân, chứng cứ của vụ án thiếu khách quan, chưa đúng người, đúng tội…
Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn: Hối lộ các cựu cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc 45,4 tỷ đồng và 2,32 triệu USD
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa - Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các tỉnh liên quan.

Tin mới

LeadHerShip 2025 - Trao quyền phụ nữ trẻ qua giáo dục thực hành
Trong bối cảnh phụ nữ trẻ đối mặt với nhiều rào cản trên con đường sự nghiệp, dự án LeadHerShip, sáng kiến của Trường Đại học Việt Đức (VGU) với sự đồng hành của Viện Friedrich Naumann (FNF) Việt Nam, đang trở thành điểm sáng trong việc trao quyền và nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ thông qua giáo dục thực hành.