Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 21/02/2025 16:03 (GMT+7)

Khuyến cáo người dân cần lưu ý khi đặt phòng trên các nền tảng trực tuyến

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi các thủ đoạn để tiếp cận các nạn nhân, nhiều du khách đã gặp phải tình trạng giả mạo các resort, khách sạn, homestay trên các nền tảng trực tuyến, gây nên thiệt hại lên tới cả tỉ đồng.

Gần đây, các vụ việc lừa đảo đặt phòng khách sạn, homestay liên tiếp xảy ra, nhất là thời điểm sau dịp Tết Nguyên đán khi người dân đang có nhu cầu du xuân, du lịch. Tình trạng lừa đảo diễn biến phức tạp, gây ra thiệt hại không nhỏ về tài sản. Trong đó vụ việc của người phụ nữ bị lừa hơn 01 tỉ đồng chỉ vì đặt phòng khách sạn đi du lịch dấy lên hồi chuông cảnh báo về những chiêu trò, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp của các đối tượng.

Các đối tượng lừa đảo tạo lập Fanpage chuyên nghiệp giả mạo khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà, Ninh Bình. Sau khi du khách liên hệ tư vấn và chốt chuyển khoản tiền đặt cọc lần đầu tiên với số tiền 6,5 triệu đồng, kẻ lừa đảo thông báo khách đã chuyển sai nội dung và yêu cầu chuyển lại tiền để bộ phận kế toán xác nhận và hoàn lại số tiền thừa. Tuy nhiên, sau nhiều lần chuyển khoản với số tiền lên tới hơn 01 tỉ đồng, đối tượng đã chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Tình trạng lừa đảo này không chỉ gây mất tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch của người tiêu dùng. Việc nhận diện và phòng tránh các trang web, ứng dụng lừa đảo là rất quan trọng để đảm bảo chuyến đi của bạn không gặp phải sự cố không mong muốn.

Khuyến cáo người dân cần lưu ý khi đặt phòng trên các nền tảng trực tuyến - 1

Cục An toàn thông tin nêu rõ, giả mạo trong lĩnh vực du lịch ngày càng trở nên phổ biến, với những kẻ xấu lợi dụng lòng tin của khách hàng để lừa đảo. Các trang web giả mạo này có thể tạo ra giao diện giống hệt với các resort, khách sạn, homestay nổi tiếng hoặc đăng tải những hình ảnh đẹp mắt nhưng thực tế lại không có thật. Điều này khiến nhiều du khách dễ dàng bị cuốn vào những chiêu trò dụ dỗ và trả tiền trước cho dịch vụ chưa được xác minh.

Các trang web có giao diện tương tự với những thương hiệu uy tín, đi kèm với mức giá rất hấp dẫn. Sau khi khách hàng đặt cọc hoặc thanh toán, họ sẽ không nhận được dịch vụ như đã hứa, và đôi khi không thể liên lạc được với chủ sở hữu. Hình ảnh resort, khách sạn hoặc homestay được sử dụng có thể là ảnh lấy từ các nguồn khác hoặc chỉnh sửa để trông hấp dẫn hơn. Khi khách hàng đến nơi, họ sẽ nhận ra rằng dịch vụ không giống như trong hình. Dựa trên những hình ảnh xịn sò và cách đăng bài chuyên nghiệp, thậm chí là chạy cả quảng cáo những bài viết này dễ dàng nhận được hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn lượt tương tác khiến nhiều người dân sập bẫy.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo cũng có thể tạo các tài khoản giả trên các ứng dụng du lịch nổi tiếng như Booking, Agoda, hoặc Airbnb để quảng bá các chỗ ở không tồn tại.

Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần lưu ý một số điểm sau khi đặt phòng trên các nền tảng trực tuyến:

Thứ nhất, trước khi quyết định đặt phòng, người dùng cần kiểm tra kỹ địa chỉ website. Các trang web đáng tin cậy thường có chứng chỉ bảo mật (biểu tượng khóa ở góc trên bên trái của trình duyệt) và có địa chỉ rõ ràng. Tránh những website có tên miền lạ hoặc không có chứng nhận bảo mật.

Thứ hai, tham khảo ý kiến của những người đã từng lưu trú tại khách sạn bạn muốn đặt thông qua các trang như TripAdvisor, Google Reviews, hoặc các trang đặt phòng uy tín thường có những đánh giá chi tiết của du khách trước đó.

Thứ ba, không tin tưởng những Fanpage quảng cáo đặt phòng với mức giá quá rẻ so với thị trường, thực hiện so sánh mức giá trên các nền tảng khác nhau để đảm bảo tính hợp lý.

Thứ tư, chủ động liên hệ trực tiếp với khách sạn hoặc homestay trước khi thanh toán thông qua các thông tin liên hệ trên trang chính thức như số hotline hoặc gửi email trực tiếp để xác minh thông tin về phòng và dịch vụ.

Thứ năm, cảnh giác với yêu cầu thanh toán trước quá sớm, nếu đối tượng không cho phép thanh toán trực tiếp hoặc yêu cầu chuyển tiền qua các kênh không chính thức, tuyệt đối không làm theo.

Thứ sáu, không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn chuyển tiền cho các đối tượng vì những lý do như sai cú pháp nhắn tin, bị treo tiền trên hệ thống,...

Thứ bảy, tuyệt đối không tải xuống ứng dụng lạ hay ấn vào các đường link không xác định từ bên thứ ba.

Thứ tám, chỉ nên đặt phòng qua các nền tảng uy tín như Booking.com, Agoda, hoặc Airbnb giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng, vì các nền tảng này thường có hệ thống bảo vệ thanh toán và các chính sách hoàn tiền nếu xảy ra sự cố. Thêm vào đó, những nền tảng này có đội ngũ hỗ trợ khách hàng, giúp giải quyết khiếu nại nếu có vấn đề phát sinh.

Cùng chuyên mục

Nhận cuộc gọi từ SĐT 0776506666, người phụ nữ chuyển hơn 600 triệu vào 2 số tài khoản lừa đảo này
Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh, ngày 18/2/2025, Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của chị L.P.D (30 tuổi, trú tại phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long (thông tin của nạn nhân đã được thay đổi) về việc chị bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.

Tin mới

Những lưu ý đối với người nộp thuế khi thực hiện hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động
Trước việc vẫn còn nhiều người nộp thuế (NNT) có những băn khoăn về hồ sơ quyết toán, quy trình hoàn thuế tự động và cơ quan thuế sẽ làm gì để hỗ trợ cho NNT, Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) đã có thông tin giải thích rõ để NNT yên tâm thực hiện.
Những điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi; tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50%; chứng chỉ ngoại ngữ không được quy đổi thành điểm 10; bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh... là những điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.