Kiên Giang: Cận cảnh lắp đặt cửa van nặng 203 tấn cuối cùng cống Cái Lớn trên đại công trường thủy lợi lớn nhất Miền Tây
Ngày 17/6, Cửa van cuối cùng trong tổng số 11 cửa van của cống Cái Lớn làm bằng thép nặng 203 tấn, được Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình thủy lợi 10 thi công lắp đặt thành công vào đại công trường thủy lợi lớn nhất Miền Tây.
Van thép cuối cùng trong tổng số 11 cửa van của Dự án Cống thủy lợi Cái Lớn nặng 203 tấn, cao 9m, ngang 40m đã được nhà thầu LILAMA lắp đặt thành công. Theo Lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình Thủy lợi 10 cho biết, 10 cửa van của cống thủy lợi Cái Lớn (mỗi cửa van nặng từ 162 đến 203 tấn) được nhà thầu lắp đặt từ tháng 3/2021. Cống Cái Lớn thuộc Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư trên 3.309 tỷ đồng. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất Miền Tây. Để lắp đặt thành công van cống nặng 203 tấn trong điều kiện chịu sự ảnh hưởng của gió thổi mạnh và dòng chảy trên sông Cái Lớn, việc di chuyển, cố định van vào khoang cống gặp rất nhiều khó khăn, nên trước đó nhà thầu phải tập dượt nhiều ngày trước khi lắp đặt.
Trước đó, vào tháng 2/2021 cống Cái Bé thuộc dự án Thủy lợi Cái lớn - Cái bé đã vận hành đóng cống ngăn mặn, nhanh hơn một mùa khô so với hợp đồng. Cống Cái Bé có 2 cửa, kịp phòng chống hạn mặn, kiểm soát trên 20.000 ha đất nông nghiệp, giúp miền Tây tiết kiệm chi phí đắp hơn 130 đập tạm. Sau khi hoàn thành, dự án này giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.
Bên cạnh đó, kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên). Ngoài ra còn kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng. Góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.