Kiên Giang: Công bố huyện Vĩnh Thuận đạt chuẩn nông thôn mới
Ngày 15/7, UBND huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định huyện Vĩnh Thuận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Tấn Dũng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; ông Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang; cùng các vị lãnh đạo bộ, ngành, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương; các vị lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; lãnh đạo các huyện, thành của tỉnh; lãnh đạo và nhân dân huyện Vĩnh Thuận cùng tham dự.
Xuất phát điểm đi lên xây dựng huyện nông thôn mới thấp
Vĩnh Thuận là huyện vùng xa, xuất phát điểm đi lên xây dựng nông thôn mới thấp. Năm 2011, qua rà soát số tiêu chí bình quân các xã chỉ đạt 8,1/19 tiêu chí, xã cao nhất mới đạt 10/19 tiêu chí, tuy nhiên đều ở mức vừa bằng chuẩn quy định. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp chỉ khoảng 17 triệu đồng/người/năm. Hệ thống giao thông nông thôn đi lại khó khăn, chỉ có 3/7 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đường giao thông nông thôn còn lại chỉ đi xe 2 bánh và đi được trong mùa nắng khô; nhiều vùng lõm không có điện, còn nhiều hộ dân chưa được sử dụng điện, cụ thể: tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới Quốc gia tương đương 88%; thiếu nước sạch sinh hoạt; đời sống văn hóa - xã hội cũng có nhiều vấn đề bức xúc; tỷ lệ hộ nghèo gần 15%, hộ cận nghèo gần 10%.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, với nỗ lực và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của tỉnh và các bộ, ngành Trung ương. Vĩnh Thuận đã đạt chuẩn theo tiêu chí huyện nông thôn mới và có sự đổi thay rõ nét trên tất cả các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, gắn với tiềm năng thế mạnh của từng lĩnh vực ngành và từng vùng, địa phương, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản.
Đến năm 2020 tỷ trọng ngành nông nghiệp - thủy sản giảm từ hơn 67%/năm 2010 xuống còn khoảng 46%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ gần 9%/năm 2010 lên gần 18%; tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm tăng gần 24% năm 2010 lên hơn 36%. Kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đa dạng cây trồng vật nuôi, lúa, tôm là sản phẩm chủ lực trở thành thế mạnh cung ứng xuất khẩu hàng hóa. Tổng giá trị sản xuất bình quân trên một diện tích đất là 158 triệu đồng/ha/năm, tăng 98 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng lên trên 55 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2,5%. Các ngành thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. 7/7 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thị trấn Vĩnh Thuận được công nhận đô thị loại 5; các dịch vụ bưu chính - viễn thông được phát triển nhanh. Hệ thống giao thông chuyển biến rõ nét, đến nay 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm, giao thông liên xã, liên ấp thông suốt đi lại dễ dàng cả 2 mùa mưa nắng. Cụ thể đã đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng hơn 73km đường nhựa hoặc bê tông đạt chuẩn; cứng hóa và bê tông hóa khoảng 320 km đường trục ấp, liên ấp; đường ngõ xóm được cứng hóa trên 270 km đạt gần 70%.
Hệ thống đê bao, thủy lợi, nước sạch điện dân dụng đã được đầu tư xây dựng phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Giáo dục và đào tạo có tiến bộ trên nhiều mặt; huy động tốt các nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Duy trì huyện đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển khá, số người tham gia tập luyện thường xuyên chiếm hơn 30% dân số; Mức hưởng thụ các dịch vụ y tế tăng lên; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đạt trên 96%; khám chữa bệnh đáp ứng tốt yêu cầu. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chiếm gần 88% so dân số.
Ông Lê Trung Hồ - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết, quá trình xây dựng thành công huyện nông thôn mới của Vĩnh Thuận để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trước hết là phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò quan trọng. Phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách.
Trong thời gian tới, Vĩnh Thuận xác định phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Trong đó, mục tiêu cụ thể là: có 02 xã đạt chuẩn nâng cao và có ít nhất từ 01 xã trở lên đạt chuẩn kiểu mẫu theo quy định hiện hành. Về chỉ tiêu tập trung, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng trên 1,2 lần so năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 92% trở lên; duy trì 100% số ấp đạt chuẩn ấp văn hóa; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, sử dụng nước sạch đạt trên 72%; 100% số xã có các tổ chức trong hệ thống chính trị đạt trong sạch, vững mạnh; các xã đều có an ninh, trật tự xã hội được giữ vững ổn định.
Giữ vững và nâng lên các tiêu chí, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp, biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, quân và dân huyện Vĩnh Thuận. Trong suốt chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm thấp, là huyện vùng xa, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, hạ tầng kinh tế chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Vĩnh Thuận đã có cách làm hay, sáng tạo vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách, nguồn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường để vươn lên trở thành huyện đầu tiên của vùng U Minh Thượng về đích huyện nông thôn mới. Đến năm 2020, 7/7 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, và huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Kinh tế, xã hội, văn hóa - giáo dục, cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đây là thành quả đáng tự hào, góp phần vào thành tích chung của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới và đưa phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa rộng khắp trong các lớp nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, phấn đấu xây dựng thành công huyện nông thôn mới đã khó, nhưng làm thế nào để giữ vững và nâng lên các tiêu chí lại càng khó hơn, chúng ta không thể tự thỏa mãn với thành tích đã đạt được, cần phải tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Nhàn lưu ý, phải xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Và mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới phải hướng đến không ngừng cải thiện, nâng lên đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn đề nghị Vĩnh Thuận cần quan tâm, tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Một là, phải xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Tiếp tục đa dạng các phương thức tuyên truyền, vận động để thực sự phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; Hai là: Thực hiện có hiệu quả xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.
Ba là: Phát huy nội lực, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao nhất là những nơi còn khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số Bốn là: nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; đa dạng các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự từ đó đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn; Năm là: Tiếp tục rà soát, thực hiện quy hoạch, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo Vĩnh Thuận theo hướng đô thị hóa vùng nông thôn.
Tại buổi lễ, ông Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn đã trao bằng Công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Vĩnh Thuận đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng tặng Bằng khen cho 4 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc đóng góp kinh phí trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới; Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 11 cá nhân nhận vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới.