Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 02/11/2020 00:16 (GMT+7)

Kinh Môn - Hải Dương: Ai 'đứng sau' bãi than không phép?

Bất chấp các quy định về đất đai, môi trường, một bãi than không phép hoạt động gây ô nhiễm môi trường diễn ra trong thời gian dài mà chính quyền không thể giải quyết dứt điểm, khiến người dân bức xúc

Theo phản ánh, nhiều năm qua cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở Khu 3, phường Phú Thứ, thị xã Kinh Môn, Hải Dương luôn chịu cảnh ô nhiễm từ bụi than, đá, và tiếng ồn chát chúa từ các phương tiện vận chuyển, khai thác đá và chế biến than của một số công ty đóng trên địa bàn. Trong đó có một bãi tập kết than không phép của một cá nhân.

Sự việc đã được người dân nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương để được xem xét, giải quyết, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, cuộc sống bị bụi than, đá nhuộm đen, người dân nơi đây chỉ biết “than trời”. Có gia đình không chịu nổi ô nhiễm, đã phải chuyển nhà đi nơi khác để ở, số còn lại vẫn cố bám trụ, nhưng cũng không mấy khả quan.

Bãi than không phép ngang nhiên tồn tại như chốn “vô pháp”.

Để làm rõ thông tin, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với bà Trương Thị Bồn - Chủ tịch UBND phường Phú Thứ. Trước thông tin phản ánh một bãi tập kết than hoạt động không phép tại Khu 3, phường Phú Thứ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bà Trương Thị Bồn cho biết: “Việc bãi than mà phóng viên phản ánh là của ông Long. Ông này thuê lại đất đấu giá của người dân địa phương để làm bãi than, tuy nhiên đây là bãi than tự phát, hoạt động không giấy phép. Vì vậy, các hồ sơ liên quan đến biện pháp bảo vệ môi trường cũng không có”.

Tiếp đến, trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc bãi than không phép ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm, nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm, đã tạo bức xúc trong nhân dân. Bà Trương Thị Bồn lý giải rằng: “Với thẩm quyền của phường, chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra và yêu cầu chủ bãi than lên làm việc, nhưng ông Long luôn báo bận và không hợp tác (?!)”.

Hướng giải quyết sự việc, vị Chủ tịch phường Phú Thứ nói: “Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã nhiều lần báo cáo và xin ý kiến xử lý bãi than trên bằng cả văn bản, và trong các cuộc họp với UBND thị xã Kinh Môn. Hơn nữa, lãnh đạo Thị xã cũng biết về thực trạng của bãi than này”.

Việc bãi than không phép ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường, đã thể hiện rõ sự coi thường pháp luật, sức khoẻ của người dân địa phương. Thế nhưng việc “không hợp tác” của ông Long (như lời Chủ tịch phường Phú Thứ nói) với chính quyền, để tìm ra biện pháp giải quyết sự việc, khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi có hay không ông Long được ai đó “chống lưng” mới dám “bật” chính quyền như thế. Thế nhưng, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, có thể do chính quyền sở tại chưa làm hết chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của mình nên ông Long mới “nhờn luật”(?).

Về trách nhiệm, hướng giải quyết bãi trên sau khi nhận báo cáo, đề xuất từ phường Phú Thứ, sẽ được chính quyền Thị xã Kinh Môn xử lý ra sao. PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liên hệ đặt lịch làm việc với cơ quan này để tìm câu trả lời.

Trong một diễn biến khác, ngoài bãi than không phép hoạt động nêu trên, thì tại Khu 3, phường Phú Thứ còn một số công ty khác đang hoạt động rầm rộ, đang “tích cực” gây ô nhiễm môi trường sống của người dân nơi đây.

Nói về thực trạng này Chủ tịch UBND phường Phú Thứ cho biết: “Với Công ty xi măng Cường Thịnh thì doanh nghiệp này đã bị cấm sản xuất từ mấy năm trước, hiện nay họ chỉ nhập nguyên liệu về sản xuất với mô hình nhỏ, dạng tự phát”.

Với Công ty cổ phần PRAMCAR (chuyên tái chế, đúc cán đồng, nhôm, thép – PV), đơn vị này mới đi vào sản xuất được khoảng hơn 1 tháng nay. Chúng tôi mới xuống kiểm tra và yêu cầu họ hoàn thiện, nộp hồ sơ thủ tục môi trường về phường. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy nộp”.

Công ty cổ phần PRAMCAR mới đi vào hoạt động hơn 1 tháng đã bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường.

Nhận xét về Công ty cổ phần khai thác chế biến khoáng sản Hải Dương gây ô nhiễm môi trường. Theo bà Trương Thị Bồn: “Đơn vị này hoạt động nghiêm túc hơn, vì đây là doanh nghiệp nhà nước…”

Khu vực khai thác đá gây ô nhiễm môi trường của Công ty cổ phần khai thác chế biến khoáng sản Hải Dương.

Trong một diễn biến khác, theo quan sát thực tế của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tại khu 3, phường Phú Thứ. Thực trạng hoạt động sản xuất của các công ty tại khu vực này, không chỉ bất cập về tình trạng gây ô nhiễm môi trường, mà còn mối lo khác đó là nguy cơ gây mất an toàn giao thông trong khu vực.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị H cho biết: “Mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe tải hạng nặng có dấu hiệu cơi nới thành/thùng chở vật liệu than, đá, xi măng quá tải, chạy dọc tuyến đường này. Hầu hết các xe trên đều không được che chắn kỹ nên đi đến đâu vật liệu rơi vãi, bụi mù mịt khiến người dân sống hai bên đường bị ảnh hưởng nặng nề”.

Ông Trần Mạnh L, người địa phương tỏ rõ sự lo lắng trước tình trạng trên, ông nói: “Không chỉ người dân sống hai bên đường chịu ảnh hưởng, mà với tất cả người và phương tiện mỗi khi lưu thông qua đây đều chịu nỗi ám ảnh, khiếp sợ với đoàn xe kia. Đặc biệt là những gia đình có con học tại trường Tiểu học Phú Thứ, hàng ngày phải lo lắng cho sự an toàn của con em mình mỗi khi đến trường”

Quả thực, theo ghi nhận thực tế của chúng tôi trước cổng trường Tiểu học Phú Thứ, chứng kiến “binh đoàn” xe tải trọng lớn kia nối đuôi nhau chạy liên tục qua cổng trường vào đúng giờ tan học, mới thấy nguy cơ mất an toàn giao thông đối với phụ huynh học sinh và người tham gia giao thông qua đây.

Hàng loạt xe tải cỡ lớn chạy rầm rầm qua cổng trường Tiểu học Phú Thứ tiềm ẩn nguy có mất an toàn giao thông, mà không bị lực lực chức năng kiểm tra, phân luồng giao thông.

Có thể nói đây là điểm nóng giao thông vào mỗi khung giờ học sinh trường Tiểu học Phú Thứ tan học. Thế nhưng, chúng tôi không thấy bóng dáng lực lượng chức năng địa phương tham gia phân luồng, cảnh báo giao thông đối với các phương tiện giao thông qua đây. Đặc biệt là “binh đoàn” xe tải của các công ty hoạt động quanh khu vực này.

Bà Trương Thị Bồn thừa nhận thực trạng trên, đồng thời cho biết: “Địa phương cũng đã đề xuất cơ quan chức năng lập nút giao thông đèn đỏ tại ngã 3 này, nhưng khi khảo khát thấy không đủ điều kiện nên không thực hiện được. Chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn nhắc nhở đội ngũ lái xe, mỗi khi chạy qua đây, vào lúc học sinh tan học thì nên hạn chế tốc độ”.

Trước thắc mắc của chúng tôi, tại sao địa phương không cử lực lượng chức năng như: Công an, đội trật tự phường tham gia phân luồng, cảnh báo giao thông vào thời điểm học sinh đến trường và tan học? Bà Trương Thị Bồn tiếp thu ý kiến của phóng viên: “Tôi xin tiếp thu ý kiến đóng góp của anh (PV), nhưng để thực hiện chúng tôi phải xin ý kiến lãnh đạo Thị xã”.

Từ những phản ánh và căn cứ nêu trên rất cần ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết dứt điểm bãi than không phép, đồng thời đưa ra biện pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại Khu 3, phường Phú Thứ.

Đặc biệt, để tạo sự an tâm cho phụ huynh, đảm bảo an toàn cho học sinh trường Tiểu học Phú Thứ mỗi khi đến trường cũng cần có giải pháp cụ thể, kịp thời về phân luồng giao thông tại khu vực cổng trường.

Cùng chuyên mục

Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…
Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định: Cần xử lí nghiêm hành vi quan hệ bất chính của Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình
Bà Ngô Thị Đào, 74 tuổi, ở thôn Thiên Bình, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng tố cáo: Ông Bùi Văn Đạt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình đã có vợ con nhưng có hành vi quan hệ bất chính với con dâu bà là chị Lưu Thị T, đảng viên, công chức Văn phòng HĐND và UBND xã Nghĩa Bình...
Đại Hiệp - Đại Lộc - Quảng Nam: Một hộ dân không được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất vì sai sót của UBND xã?
Vừa qua tòa soạn nhận được phản ảnh của đại diện hộ gia đình ông Nguyễn Đình Tiến ở tại thôn Tích Phú, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phản ảnh việc hộ ông bị ảnh hưởng và thiệt hại do không được cấp sổ đỏ vì sai sót trong quá trình cập nhật sổ địa chính từ năm 1998 của xã Đại Hiệp . Được biết thửa đất của gia đình ông đã làm nhà ở và sử dụng ổn định , không có tranh chấp từ năm 1995 cho đến nay. Thửa đất có số thửa 723 tờ bản đồ số 2 diện tích 920 m2.

Tin mới

Dừng lưu thông và truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc
Đây là yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai về 5 trường hợp đang cấp cứu, điều trị tại Trung tâm do ngộ độc methanol, trong đó có một trường hợp từ Thái Nguyên và bốn trường hợp từ Thường Tín, Hà Nội cùng uống một loại rượu từ Thái Nguyên.