Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 22/02/2025 15:06 (GMT+7)

Kon Tum: Cứu sống hai bệnh nhân ngộ độc Botulinum sau khi ăn mắm cá chua

Hai bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum đều do ăn mắm cá chua tự làm theo cách truyền thống và được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu qua cơn nguy kịch.

Ngày 21/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết đơn vị vừa cấp cứu thành công hai bệnh nhân ngộ độc Botulinum type E qua cơn nguy kịch.

Cụ thể, trường hợp ngộ độc đầu tiên là Y Chuih (sinh năm 1978, trú xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), nhập viện ngày 2/2 trong tình trạng hôn mê.

Đến ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân A Rô (sinh năm 1982, trú thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy) với các biểu hiện đau bụng, sụp mí mắt, khó nói.

Sau khi xét nghiệm, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum xác định cả hai bệnh nhân đều bị ngộ độc Botulinum do ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Cả hai bệnh nhân được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để cấp cứu và thực hiện các biện pháp điều trị.

Đến nay, sau gần 20 ngày điều trị, sức khỏe của hai bệnh nhân đã dần hồi phục, có thể cử động được tay chân.

Theo bác sĩ Võ Khắc Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, sau khi nhập viện, người nhà cho biết bệnh nhân đã sử dụng món mắm cá chua.

Đây là món ăn truyền thống ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum, được chế biến bằng cách bắt cá suối, ủ lên men cùng với bột gạo hoặc muối, thường được bà con dùng để ăn với cơm. Trong điều kiện yếm khí, nhiều loại vi khuẩn đã phát triển, trong đó có Clostridium botulinum gây ngộ độc.

Độc lực của Botulinum rất mạnh nên việc điều trị rất khó khăn, phải mất một thời gian rất dài bệnh nhân mới có thể hồi phục.

Bên cạnh đó, thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) điều trị rất hiếm và đắt, lên tới 8.000 USD cho một lọ. May mắn, những bệnh nhân ngộ độc Botulinum ở Kon Tum chủ yếu là type E, độc lực không cao bằng type A, B.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên ăn món mắm cá chua, những sản phẩm đóng hộp có dấu hiệu hư hỏng và các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Từ năm 2020 đến nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận và điều trị cho 25 trường hợp bị ngộ độc Botulinum, trong đó có 2 người tử vong.

Cùng chuyên mục

Mưa trái mùa, nhiều dịch bệnh "tấn công" trẻ
Những ngày gần đây, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận xuất xuất hiện những cơn mưa trái mùa, thời tiết se lạnh về đêm và sáng. Theo các chuyên gia y tế, thay đổi thời tiết đột ngột có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, dẫn đến dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
"Yoga cho não" giúp cai nghiện rượu
Tại bệnh viện đại học Brugmann ở thủ đô Brussels của Bỉ, một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn đang được nghiên cứu và áp dụng cho những bệnh nhân nghiện rượu nặng: Neurofeedback.

Tin mới