Lái xe bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định pháp luật hiện hành, lái xe bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông sẽ bị xử lý như thế nào?
Về vấn đề này, khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Nghiêm cấm bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.
Tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định người điều khiển xe thực hiện hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạnbị xử phạt như sau:
- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng.
- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.
- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 05 tháng đến 07 tháng.
- Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Ngoài ra, người bỏ trốn sau khi gây tai nạn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trường hợp nạn nhân có đơn xin bãi nại nhưng lái xe gây tai nạn có dấu hiệu phạm tội thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.