Làm CCCD gắn chip vào thứ 7, chủ nhật có mất thêm phí hay không?
Thông tư 59/2019/TT-BTC đã quy định rõ về các mức phí khi làm căn cước công dân gắn chip.
Theo Điều 26 Luật Căn cước công dân 2014 về nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
- Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, những cơ quan trên chỉ thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân từ thứ hai đến thứ 6 hàng tuần trong giờ hành chính.
Nên theo nguyên tắc thì công dân không thể đến để làm căn cước công dân vào thứ bảy và chủ nhật. Tuy nhiên, hiện nay có một số địa phương có tổ chức lưu động làm căn cước công dân vào ngày nghỉ cuối tuần. Do đó để biết chính xác thời gian xử lý yêu cầu cấp căn cước công dân, người dân có thể liên hệ địa phương để nắm rõ thông tin cần thiết.
Làm Căn cước công dân gắn chip mất bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC, công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân, mức phí sẽ là 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu, mức phí sẽ là 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Trường hợp cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam, mức phí sẽ là 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 5 Thông tư 59/2019/TT-BTC, các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí gồm:
- Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 32 Luật căn cước công dân;
- Đổi thẻ căn cước công dân theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật căn cước công dân;
- Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.
Theo đó, khi chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân thì lệ phí làm là 30.000 đồng.
Còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu không phải nộp lệ phí.