Lễ hội Halloween: Nếu không hiểu rõ thì đừng đưa vào trường học
Vừa qua, lễ hội Halloween tại quận Itaewon thuộc Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân nước này và trên thế giới. Hơn 150 người chết, 82 người bị thương, người mất tích, trong đó có 1 du học sinh Việt Nam…
Thảm kịch giẫm đạp này chính là thông tin báo động khi trong nhiều trường học (từ mầm non đến đại học) ở nước ta vẫn tổ chức lễ hội Haloween một cách hoành tráng với những hình ảnh hoá trang máu me, chết chóc, rùng rợn.
Nhiều người đồng tình “cấm tổ chức Halloween trong trường học”
Lễ hội Halloween hay còn gọi là lễ hội ma quỷ, là một ngày lễ truyền thống và đặc biệt ở các nước phương Tây. Lễ hội Halloween thường tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng 10, bắt đầu từ chiều tối cho đến 24h đêm.
Những người tham gia lễ hội sẽ hóa trang thành ma quỷ với những bộ quần áo phù thuỷ, ma mị như trong phim hoạt hình, như hóa trang thành ma cà rồng, búp bê man rợ, chú hề ma quái, tạo hình con thú hay gương mặt biến dạng... giúp trẻ con có cái nhìn hài hước hơn về ma quỷ, không quá sợ ma quỷ. Lễ hội này đã du nhập sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Với văn hoá yêu thích các lễ hội, Halloween nhanh chóng được giới trẻ yêu thích. Tuy nhiên, gần đây, lễ hội Halloween ở Hàn Quốc khiến hàng trăm người thiệt mạng, bị thương, thậm chí có cả du học sinh Việt Nam thì việc tổ chức Halloween trong trường học đã gây nên nhiều ý kiến tranh cãi.
Trên fanpage Giáo viên Việt Nam với hơn 244.000 thành viên đã có ý kiến đề nghị cấm tổ chức Halloween trong trường học. Quan điểm này ngay lập tức đón nhận nhiều ý kiến đồng tình.
Nhiều người tỏ ra khá gay gắt “Nếu không hiểu đúng thì đừng có đưa vào nhà trường, nhất là cấp mầm non, tiểu học”.
Một thành viên khác có tên Phương Nhung bày tỏ: "Nhiều trường học trang trí cảnh người bị đứt đôi, máu me về các con lại thử nghiệm nữa thì khổ. Muốn trẻ không sợ ma quỷ thì từ bé đừng có dọa ông kẹ với ma quỷ nữa".
Bạn N.T.H ở Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi chưa thấy đứa trẻ nào bị doạ ma mà lại hết sợ ma cả. Nó chỉ thêm ám ảnh và sợ hãi, nhút nhát hơn mà thôi”.
Ở độ tuổi chưa có khả năng chọn lọc tốt như học sinh thì trường học cũng nên truyền tải đúng cách, chứ không phải cứ hottrend nước ngoài là mình đều mang vào môi trường sư phạm cho các em.
Truyền thống hóa trang các hoạt động giáo dục ở nhà trường Việt Nam lâu nay hay cho các em hóa các trang nhân vật trong truyện cổ tích như ông tiên, cô tiên, chị Hằng, chú Cuội, hoàng tử, công chúa, các bậc anh hùng dân tộc hy sinh vì nước, những người sống quanh ta như bác nông dân, cô thôn nữ, chú bộ đội, công an, công nhân… Một điều ông cha ta rất kỵ cho trẻ em xem hình ma, quỷ, hung dữ vì ngại những hình ảnh không tốt lành ấy ám ảnh trong tâm thức các em, sợ ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ.
Suy rộng ra, điều này có nghĩa là hãy tập trung truyền bá rộng rãi những ngày lễ, kỷ niệm của đất nước thay vì chạy theo nước ngoài để phổ rộng nét văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục nước nhà!
Chuyên gia Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, văn hóa phương Đông và phương Tây hoàn toàn khác nhau nên việc du nhập văn hóa về một quốc gia cũng cần có sự sàng lọc cho phù hợp.
Ở Việt Nam có tình trạng Halloween bị “biến tấu” mất đi ý nghĩa vốn có. Do vậy, người tham gia lễ hội phải biết rõ nguồn gốc của lễ hội. Nếu chỉ trang trí thành ma quỷ với hình ảnh máu để kích động người chơi thì đây chỉ là sự du nhập của văn hóa “lai-căng” - phi thực tế.
Chuyên gia Cường khẳng định, mục đích và ý nghĩa của ngày lễ hội Halloween là rất tốt nhưng được du nhập về Việt Nam chưa đúng với thực tế đang diễn ra ở các nước phương Tây.
Hoạt động giáo dục phải hướng đến sự phù hợp
Theo điều 7, Luật Giáo Dục (năm 2019) quy định là nội dung giáo dục phải đảm bảo tính… kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng người học.
Thế nhưng, chỉ vì chưa hiểu đúng ý nghĩa của lễ hội Halloween trong văn hoá phương Tây, vội vã đưa vào trường học nên mỗi khi đến dịp lễ hội Halloween, học sinh, sinh viên sẽ hóa trang làm ma quỷ và đi dọa người khác. Người dọa thì thích thú, người bị doạ lại sợ hãi. Điều này càng khiến hình thành thói quen lấy việc dọa người khác sợ làm niềm vui; người bị dọa thì trong tâm thái sợ hãi hoảng loạn có thể hình thành nên những dư chấn tâm lý không tốt về sau (VD: không dám đi đâu một mình, sợ bóng tối, lúc nào cũng trong cảm giác “ma” theo…).
Điều đáng nói là việc tổ chức lễ hội Halloween lại len lỏi trong môi trường mẫu giáo, tiểu học khi buộc trẻ em hóa thân mình thành ma quỷ.
Một thành viên trong “Giáo dục Việt Nam” thẳng thắn: Việc tổ chức hoành tráng lễ hội Halloween trong trường học sẽ tạo nên những hạt giống không tốt trong tâm hồn trẻ thơ. Đối với học sinh cấp THCS - lứa tuổi đang hình thành nhân cách và có nhiều bất ổn nhất về tâm lý - thì việc hóa trang thành những con ma quỷ với những chiếc đầu lâu, lưỡi hái tử thần, những chiếc mặt nạ ghê rợn để đi dọa người đúng là một trò tiêu khiển nực cười, vô ích mà hậu quả thì không thể lường hết được…
Bạn D.P.L học sinh lớp 9 ở một trường học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Em thì thấy Halloween bình thường, nhưng với những bạn “yếu tim” thì đây thực sự là lễ hội kinh dị nhất. Vì khi bị hù dọa bởi gương mặt ma quỷ các bạn đều bảo rất sợ hãi; có bạn tối về không ăn, không ngủ được vì cứ bị ám ảnh bởi gương mặt đầu tóc xoã sượi, máu me quanh mồm…”.
Thực tế cho thấy, các bạn nam vốn hiếu động lại thấy việc doạ người khác một cách công khai và được hưởng ứng là niềm vui, thích thú mà không hay biết đó là một hành động ác.
Nếu cứ theo logic suy luận này thì trong tâm các em nuôi dưỡng, ham thích những điều ác này, đến khi thuần thục, thì không chỉ trong lễ hội Halloween, mà bất kỳ thời điểm nào, ở đâu, các em cũng có thể dọa nạt mọi người mà không hề cảm thấy hổ thẹn, áy náy, không cảm thấy xót thương cho người sợ hãi. Dần dần, sự vô cảm sẽ ngang nhiên lấp đầy tâm hồn của những đứa trẻ ấy.
Trong cuộc sống, nhiều bạn trẻ đang trong lứa tuổi vị thành niên khi làm điều ác (bạn trai đâm chết bạn gái, các con phóng hỏa đốt mẹ, đâm bạn vì cho rằng bị nhìn đểu...) được hỏi lại không tỏ ra hối hận mà lại cho rằng họ đáng bị như thế. Đó có thể được coi là hệ lụy từ việc vô cảm, ác tâm - là điều mà không ai mong muốn. Nhưng nó đã xảy ra!
Trước tình trạng hiện tại có quá nhiều vấn đề liên quan đến tội phạm lứa tuổi vị thành niên, thậm chí thời gian gần đây, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã phải liên tục đưa ra những văn bản yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ kiên quyết đấu tranh, trấn áp tình trạng tội phạm liên quan đến lứa tuổi chưa thành niên khi những hình ảnh cầm phóng lợn, lạng lách, đánh võng, đâm chém nhau xảy ra trên đường phố Hà Nội.
Trở lại vấn đề trong nhà trường, phải khẳng định rằng trường học là một môi trường giúp con trẻ phát triển về đạo đức và trí tuệ, giáo viên là những người có trách nhiệm định hướng đúng đắn cho học sinh về việc tốt - xấu, nên làm - không nên làm. Tuy nhiên, với những hoạt động tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ như lễ hội Halloween thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những kết quả sau đó?
TS. Vũ Thu Hương - Chuyên gia tâm lý giáo dục cho biết, lễ hội Hallowen thực chất là tạo ra những con ma thú vị, buồn cười, hài hước, vô hại để những đứa trẻ thấy sợ. Nếu hiểu sai về ý nghĩa của nó thì không nên tổ chức.
Việt Nam có rất nhiều những lễ hội dân gian thú vị, chúng ta cũng không nhất thiết phải tổ chức những lễ hội của nước ngoài. Nếu không hiểu rõ về lễ hội của người ta thì không nên làm, chỉ khi hiểu rõ về văn hóa, ý nghĩa giáo dục, tất cả mọi thứ về lễ hội đó mới nên tổ chức.
Có rất nhiều hoạt động để xả năng lượng dư thừa, bức xúc cho học sinh không nhất thiết phải tổ chức lễ hội theo phong trào như vậy.
Việc tổ chức một lễ hội có nguồn gốc nước ngoài, điều quan trọng là phải hiểu rõ về lễ hội đó, tổ chức mang tính chất đúng nghĩa của lễ hội Halloween, nếu tổ chức không đúng sẽ có những biến tướng gây hậu quả rất lớn, càng hiểu rõ nó bao nhiêu càng làm đúng bao nhiêu càng có ý nghĩa giáo dục bấy nhiêu.