Lùm xùm tại Khu nhà ở Hancom: Vẫn chưa có hồi kết!
Không đồng ý bàn giao diện tích khu để xe ô tô ở tầng hầm cho chủ đầu tư, cư dân khu nhà ở Hancom và nhóm bảo vệ do chủ đầu tư thuê đã xảy ra xung đột.
Những lùm xùm tại khu nhà ở Hancom
Khu nhà ở Hancom được Công ty Cổ phần đầu tư và Khai thác kinh doanh Hà Nội (Công ty Hancom) nay đổi tên là Công ty CP Đầu tư xây dựng Nhật Dương Group (Công ty Nhật Dương Group) xây dựng và hoàn thiện, đưa vào sử dụng từ thời điểm năm 2010. Trong quá trình sinh sống tại Hancom, một số cư dân (phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đã có những phản ánh về một số bất cập đang diễn ra tại khu nhà này.
Cụ thể, trước đó vào giữa năm 2018, người dân cho rằng chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Hancom đã tiến hành xây dựng trái phép khu sân thượng để làm trụ sở văn phòng, chủ đầu tư cũng cho người vào đòi quyền quản lý diện tích trông giữ xe ô tô tại tầng hầm khu nhà. Bên cạnh đó, cư dân cũng cho biết, mặc dù tòa nhà đã đi vào hoạt động gần 10 năm nay, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa lập Ban Quản trị và bàn giao tiền quỹ bảo trì lại cho cư dân.
Cư dân căng băng rôn kêu cứu tại khu nhà ở Hancom. |
Trước những thông tin phản ánh của người dân sinh sống tại Khu nhà ở Hancom, nhằm xác minh để thông tin, mới đây, Báo Kinh doanh và Pháp luật đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Trung Minh – Giám đốc Công ty Nhật Dương Group. Tại đây, ông Minh xác nhận có việc cư dân phản ánh về những nội dung trên, tuy nhiên, ông Minh cho biết bản chất sự việc không hoàn toàn như người dân nói.
Cụ thể, trước thông tin một số người dân phản ánh về việc chủ đầu tư đã cải tạo tầng 16 thành văn phòng làm việc, ông Minh cho biết, trước đây trong bản thiết kế kiến trúc được phê duyệt cho dự án Khu nhà ở Hancom, khu vực tầng 16 là khu sân vườn của các căn hộ tầng 15.
Tuy nhiên, do thời điểm và vị trí đó bán nhà rất khó khăn nên chủ đầu tư không xây mà để trống. Năm 2014, chủ đầu tư có xin chuyển đổi thành khu căn hộ và đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận tại văn bản số 1546/UBND-QHXDGT ngày 06/03/2014. Nhưng sau đó, xét thấy việc chuyển đổi thành văn phòng công ty hợp lý hơn vì sẽ giảm lượng cư dân sinh hoạt và ra vào tòa nhà nên chủ đầu tư đã sửa thành khu văn phòng. Tuy nhiên, có một số cư dân không đồng tình vì việc cải tạo chưa được cấp phép xây dựng nên công ty đã ngừng làm việc tại khu vực tầng 16 kể từ ngày 18/3/2019 đến nay.
Hiện tại, công ty đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục hồ sơ về việc cải tạo tầng tum thành tầng 16 theo quy định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội cùng một số sở, ban ngành liên quan.
Còn về việc thành lập Ban Quản trị và bàn giao quỹ bảo trì, ông Minh cho biết, thời điểm hiện tại cư dân khu nhà ở Hancom đã có Ban Quản trị do cư dân bầu ra. Ngày 14/01/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Nhật Dương Group và Ban Quản trị Khu nhà Hancom đã họp và thống nhất phương án tính giá trị kinh phí bảo trì Khu nhà Hancom áp dụng theo lãi suất của Ngân hàng Techcombank và theo tỷ lệ 10% gửi lãi suất không kỳ hạn, 20% gửi lãi suất 06 tháng và 70% gửi 12 tháng.
Trên cơ sở đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai thác kinh doanh Hà Nội đã lập bảng tính giá trị kinh phí bảo trì công ty phải bàn giao cho Ban Quản trị Khu nhà Hancom quản lý là 5.117.273.317 đồng. Phương án này đã được kế toán công ty gửi cho Ban Quản trị Khu nhà Hancom và công ty đã chuyển khoản vào tài khoản của Ban Quản trị Khu nhà Hancom 5.000.000.000 đồng (Năm tỷ đồng).
Số tiền quỹ bảo trì còn lại công ty sẽ bàn giao nốt cho Ban Quản trị Khu nhà Hancom sau khi đã trừ đi các khoản thanh toán bảo trì trong thời gian từ khi bàn giao cho Ban Quản trị (từ ngày 01/4/2019) đến nay.
“Vừa qua, Sở Xây dựng TP Hà Nội có văn bản số 5780 cho biết diện tích để xe ô tô tại tầng hầm Khu nhà ở Hancom thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư. Vì thế phía Công ty Nhật Dương Group đã nhiều lần làm thông báo gửi tới Ban Quản trị Khu nhà ở Hancom và cư dân yêu cầu bàn giao quyền quản lý diện tích để xe ô tô tại tầng hầm Khu nhà ở Hancom cho chủ đầu tư quản lý bắt đầu từ ngày 1/8”, ông Minh cho biết thêm.