Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Chủ nhật, 29/10/2023 09:13 (GMT+7)

Lý giải đề xuất không cho rút bảo hiểm xã hội một lần quá 50%

Giải thích về cách thức bảo lưu 50% mức hưởng còn lại, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, người lao động có thời gian tham gia BHXH 10 năm, muốn rút sẽ được giải quyết tối đa 5 năm và phần thời gian này coi như xóa bỏ vì đã hưởng hết quyền lợi. 5 năm còn lại được bảo lưu trong hệ thống, nếu người lao động đi làm lại và tiếp tục đóng BHXH thì được cộng nối tiếp để hưởng đầy đủ các chế độ BHXH với quyền lợi cao hơn.

Lý giải đề xuất không cho rút bảo hiểm xã hội một lần quá 50%

Ảnh minh họa.

Hiện nay, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội đang đề xuất hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm 1: Người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng, có nhu cầu thì vẫn được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Nhóm 2: Với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến ngày 01/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp gồm: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại dược bảo lưu để người lao động tiếp tực tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Lý giải đề xuất không cho rút bảo hiểm xã hội một lần quá 50%, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết qua phân tích số lao động rời lưới an sinh giai đoạn 2016-2022, có khoảng 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần/năm với xu hướng tăng lên, gần 80% trong số này ở độ tuổi 20-40. Lý do rút bảo hiểm là có áp lực về tài chính.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, nếu người lao động cứ khó khăn lại rút một lần thì sau này sẽ không có lương hưu. Do vậy, phương án 2, được rút nhưng khống chế mức hưởng 50%, sẽ giải quyết cùng lúc hai bài toán, vừa đảm bảo quyền lợi rút bảo hiểm của lao động mà vẫn bảo lưu được chế độ hưu trí về sau.

Giải thích về cách thức bảo lưu 50% mức hưởng còn lại, ông Cường phân tích với ví dụ cụ thể, người lao động có thời gian tham gia BHXH 10 năm, muốn rút sẽ được giải quyết tối đa 5 năm và phần thời gian này coi như xóa bỏ vì đã hưởng hết quyền lợi. 5 năm còn lại được bảo lưu trong hệ thống, nếu người lao động đi làm lại và tiếp tục đóng BHXH thì được cộng nối tiếp để hưởng đầy đủ các chế độ BHXH với quyền lợi cao hơn.

"Quá trình đóng tiếp, người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Nếu đến tuổi về hưu mà chưa đóng đủ 15 năm, người lao động có nhiều sự lựa chọn, có thể tiếp tục rút BHXH một lần; tự nguyện đóng một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu; hoặc nhận trợ cấp hàng tháng và được nhà nước cấp BHYT", ông Nguyễn Duy Cường cho biết.

Bộ phận kỹ thuật đã thử tính toán nếu cho rút 8% phần đóng của lao động thì sẽ bằng 0,96 bình quân tiền lương tháng đóng BHXH với mỗi năm tham gia, tức bằng 48% mức hưởng một lần theo quy định hiện nay. Luật hiện quy định mức hưởng một lần bằng hai tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho mỗi năm tham gia.

Về mặt kỹ thuật, ông Nguyễn Duy Cường cho rằng quy định cho rút 50% như dự thảo hợp lý hơn, để lao động không phải thắc mắc phần 14% doanh nghiệp đóng dẫn đến tranh luận đó có phải tiền đóng của chủ sử dụng hay không.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Người lao động có thêm sự lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

"Quy định hưởng BHXH một lần là vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp cho nên Bộ LĐTBXH đề xuất Chính phủ xin ý kiến Quốc hội với cả hai phương án trên", ông Nguyễn Duy Cường cho biết.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp tháng 10/2023, thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 01/7/2025.

Cùng chuyên mục

Công bố kế hoạch thanh tra các đơn vị kinh doanh vàng
Ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về "sư Thích Minh Tuệ"
Ban Tôn giáo Chính phủ ngày 16/5 đã có gửi văn bản tới các Ban/Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu về công tác quản lý nhà nước liên quan đến Phật giáo trên địa bàn.

Tin mới

Khởi tố điều tra vụ chìm tàu kéo, lật sà lan trên vùng biển Lý Sơn
Ngày 17/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Quảng Ngãi) đã có quyết định khởi tố vụ án tai nạn đường thủy làm 4 người chết, 5 người mất tích về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy" theo Điều 272, Bộ luật Hình sự.
Cảnh báo thuốc lá điện tử chứa ma túy 'đầu độc' giới trẻ
Theo Bộ Công an, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử có pha trộn, phun tẩm ma túy (cần sa tổng hợp) đang diễn biến phức tạp, nhất là trên không gian mạng. Đối tượng sử dụng chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, số đối tượng, tang vật bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ tăng mạnh về số lượng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.