Lý giải việc Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố đến 6h ngày 23/8
Phó bí thư Hà Nội cho biết, quyết định xuất phát từ việc TP còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong công tác phòng chống dịch khi áp dụng giãn cách xã hội 2 tuần vừa qua.
Chiều 6/8, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 sau khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP để phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, qua thăm dò dư luận xã hội cho thấy việc Hà Nội quyết định thực hiện giãn cách xã hội vào 6h sáng ngày 24/7 là đúng và trúng. Các giải pháp TP đưa ra trong chỉ thị được đánh giá cao.
Lý giải về quyết định của TP khi thực hiện giãn cách thêm 15 ngày, Phó bí thư Hà Nội cho biết, quyết định xuất phát từ việc TP còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong công tác phòng chống dịch khi áp dụng giãn cách xã hội 2 tuần vừa qua.
Công tác phòng chống COVID-19 vẫn còn những khó khăn phức tạp, diễn biến dịch bệnh vẫn ở mức nguy cơ cao khi Hà Nội là trung tâm của cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm của quốc gia nên không thể "đóng cứng" như một số tỉnh thành khác. Bên cạnh đó, xung quanh Hà Nội các tỉnh thành khác đều vẫn đang có dịch.
Đến nay 30 quận huyện của Hà Nội đều có ca mắc, đáng lo hơn, dịch bệnh xâm nhập vào nhiều địa bàn trọng yếu như khu công nghiệp, bệnh viện, chợ dân sinh, siêu thị, khu đông dân cư. Nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.
"Nếu dừng giãn cách xã hội thì những thành quả, kết quả đạt được thời gian qua khó đảm bảo được. Việc tiếp tục giãn cách nhằm khoanh vùng, truy vết, cách ly, xử lý các ổ dịch. Đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, chuẩn bị thế chủ động một cách toàn diện", ông Phong nói.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong 15 ngày tới, TP tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nhưng quyết liệt, thực chất hơn, tiếp tục trao quyền chủ động cho các cơ quan đơn vị, tùy tình hình thực tế có thể áp dụng biện pháp phòng chống dịch cao hơn với mục tiêu hiệu quả trên hết.
Với phương châm chủ động, không lơ là, chuẩn bị cao hơn một bước với diễn biến dịch bệnh, Hà Nội đã có nhiều chủ trương giải pháp cụ thể như chuẩn bị đưa vào hoạt động khu thu dung điều trị 1.000 giường với bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ ở Đền Lừ.
Hà Nội cũng phối hợp Bộ Y tế chuẩn bị lượng lớn giường điều trị bệnh nhân nặng. Mỗi quận, huyện được giao phụ trách 3.000 - 5.000 chỗ cách ly và bổ sung trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, thành ủy đã chỉ đạo trong thời gian sớm nhất phải có 30.000 giường phục vụ công tác điều trị bệnh nhân để sẵn sàng cho mọi tình huống.
Xác định dịch bệnh còn kéo dài, ông Phong cho biết TP đã phân công lực lượng giảm tải cho tuyến đầu. Để tập trung nguồn lực và đảm bảo an sinh xã hội, TP đã tạm dừng mua sắm từ nguồn chi thường xuyên, giảm tổ chức hội nghị.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Phong mong các đơn vị phát huy vai trò cơ sở, sự chủ động, tự nguyện của người dân. TP cũng quán triệt phải bảo vệ, giữ cho được những "vùng xanh" an toàn. Người đứng đầu đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt để chống dịch thực chất, hiệu quả.
Về việc đảm bảo an sinh xã hội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: "Các đối tượng khó khăn, yếu thế trong dịch bệnh càng khó khăn hơn và cần được giúp đỡ. Đây là trách nhiệm chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Hà Nội".
Từ đó, Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị rà soát bổ sung thêm các đối tượng không nằm diện được hỗ trợ theo nghị quyết của Chính phủ và yêu cầu nhanh chóng triển khai hỗ trợ.