Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 24/07/2023 14:42 (GMT+7)

Mới có 37% thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT

Tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, mới có khoảng 37% thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Mới có 37% thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT
Ảnh minh hoạ.

Theo thông tin từ đại diện Vụ Giáo dục Đại học, năm nay, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT đã vận hành ổn định; hơn nữa Bộ đã có thời gian để thí sinh thực hành đăng ký, do vậy, thí sinh đã nắm rõ các quy trình.

Theo quy định, thí sinh đăng ký xét tuyển từ 10/7 đến 17h ngày 30/7. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi chỉ còn 9 ngày để đăng ký xét tuyển, trên hệ thống mới chỉ có gần 390.000 thí sinh đăng ký trên hệ thống (37%). Một số địa phương có tỷ lệ đăng ký cao như: Bình Dương, Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang.

Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, muốn trúng tuyển vào bất cứ đại học nào, vào bất cứ ngành nào, thí sinh đều phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ. Đây là điều bắt buộc nên thí sinh, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý. Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng cần cân nhắc việc sắp xếp thứ tự và luôn nhớ nguyên tắc là đặt nguyện vọng yêu thích nhất, mong muốn nhất là nguyện vọng 1 vì mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất.

Việc cân nhắc ngành/trường trước khi đăng ký là cần thiết nhưng mỗi thí sinh cần chủ động, không nên chờ đến tận ngày cuối, giờ cuối mới truy cập hệ thống vì dễ xảy ra chậm muộn vì những nguyên nhân khách quan.

Để hạn chế rủi ro, thí sinh không nên đăng ký quá ít hoặc quá nhiều nguyện vọng. Việc đăng ký 1 nguyện vọng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì sau đó các trường còn có khâu hậu kiểm, xem xét các điều kiện cụ thể. Việc đăng ký 1 nguyện vọng là không nên nhưng việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng cũng là không cần thiết vì gây lãng phí và cũng không sử dụng hết. Thí sinh cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường; có chiến thuật phân bổ nguyện vọng vào các nhóm ngành phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất.

Ngoài ra, về quy trình, thí sinh cần thực hiện từ đầu đến cuối để đảm bảo hệ thống ghi nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.