Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 14/06/2022 14:30 (GMT+7)

Trước sức ép thị trường, loạt 'ông lớn' châu Á tiếp tục mua dầu Nga

Ấn Độ và một số 'ông lớn' châu Á vẫn đang là nguồn thu nhập quan trọng đối với dầu thô của Moscow bất chấp áp lực mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây.

Các đơn hàng dầu thô từ Ấn Độ và một số nước châu Á đang thúc đẩy doanh thu xuất khẩu của Nga vào thời điểm Washington và các đồng minh đang cố gắng hạn chế các dòng tài chính hỗ trợ cho Moscow.

Số liệu tăng đáng kể từ Ấn Độ, Trung Quốc

Theo công ty về dữ liệu hàng hóa Kpler, Ấn Độ, quốc gia có nhu cầu lớn về dầu để phục vụ 1,4 tỷ dân, đã tiêu thụ gần 60 triệu thùng dầu của Nga vào năm 2022, tăng đáng kể so với 12 triệu thùng của cả năm 2021. Các lô hàng dầu của Nga đến các nước châu Á khác, như Trung Quốc, cũng đã tăng trong những tháng gần đây nhưng ở mức độ thấp hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press, Thủ tướng Sri Lanka cho biết ông cũng có thể bị buộc phải mua thêm dầu từ Nga khi nước này đang ráo riết tìm kiếm nhiên liệu để duy trì hoạt động của đất nước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Hôm thứ Bảy tuần trước, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết, trước tiên ông sẽ xem xét các nguồn khác, nhưng sẽ sẵn sàng mua thêm dầu thô từ Moscow. Vào cuối tháng 5, Sri Lanka đã mua lô hàng 99.000 tấn dầu thô của Nga để khởi động lại nhà máy lọc dầu duy nhất nước này.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng lên vào cuối tháng Hai, giá dầu toàn cầu đã tăng vọt. Sau khi Mỹ kêu gọi các quốc gia trên thế giới hạn chế mua dầu của Moscow, các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ và các nước khác đã được Moscow chiết khấu cao hơn, từ 30 đến 35 USD/ thùng. Hiện tại, dầu thô Brent và các loại dầu quốc tế khác đang giao dịch ở mức khoảng 120 USD/ thùng.

Trước sức ép thị trường, loạt ông lớn châu Á tiếp tục mua dầu Nga - Ảnh 1.
Giá năng lượng toàn cầu đã tăng vọt và gây khó khăn cho các nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: AP.

Tầm quan trọng của Ấn Độ và một số khách hàng châu Á đối với Nga đã tăng lên sau khi Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia, thị trường chính cho năng lượng Nga và cũng là nguồn ngoại tệ lớn của Nga, đã nhất trí dừng hầu hết hoạt động mua dầu của Moscow vào cuối năm nay.

Matt Smith, nhà phân tích hàng đầu tại Kpler chuyên theo dõi dòng chảy dầu của Nga cho biết: "Có vẻ như có một xu hướng mới và đang dần rõ ràng hơn. Khi các chuyến hàng dầu đến châu Âu bị cắt giảm thì dầu được chuyển sang châu Á, nơi Ấn Độ trở thành người mua hàng đầu, tiếp theo là Trung Quốc. Các báo cáo theo dõi tàu chở hàng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một điểm đến quan trọng khác của dầu Nga".

Vào tháng 5, khoảng 30 tàu chở dầu thô của Nga đã đến các bờ biển của Ấn Độ, bốc dỡ khoảng 430.000 thùng mỗi ngày. Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, trung bình chỉ có 60.000 thùng mỗi ngày cập cảng Ấn Độ từ tháng 1 đến tháng 3.

Các nhà máy lọc dầu độc lập và thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cũng đã tăng cường mua. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm 2021, Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, lấy trung bình 1,6 triệu thùng mỗi ngày, chia đều cho các tuyến đường ống và đường biển.

Vượt lên sức ép từ Mỹ

Trong khi nhập khẩu của Ấn Độ vẫn chỉ bằng khoảng một phần tư con số của Trung Quốc, sự gia tăng mạnh mẽ đơn hàng dầu kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu là một vấn đề căng thẳng tiềm tàng giữa Washington và New Delhi.

Mỹ thừa nhận rằng Ấn Độ cần dầu với giá cả phải chăng, nhưng "chúng tôi mong các đồng minh và đối tác không tăng mua năng lượng của Nga", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết sau cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ và Ấn Độ vào tháng 4.

Trong khi châu Âu đang tìm các nguồn cung thay thế cho 60% nhu cầu họ mua từ Nga, thì Moscow cũng có các lựa chọn khác.

Ngoại trưởng Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, đã nhấn mạnh ý định của nước này là sẽ làm những gì có lợi nhất cho đất nước.

"Nếu Ấn Độ mua dầu của Nga là tài trợ cho xung đột…thì hãy nói cho tôi biết, tại sao việc mua khí đốt của Nga không phải là tài trợ cho xung đột?", ông Subrahmanyam Jaishankar nói tại một diễn đàn gần đây ở Slovakia, đề cập đến việc châu Âu nhập khẩu khí đốt của Nga.

Nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Nga đã tăng từ 100.000 thùng/ngày vào tháng 2 lên 370.000 thùng/ngày vào tháng 4 lên 870.000 thùng/ngày vào tháng 5.

Nhập khẩu dầu Nga từ phía Trung Quốc cũng đang gia tăng trong năm nay và duy trì nguồn thu cho chính phủ Nga. Hiện chưa rõ mặt hàng này có thể bị áp đặt trừng phạt ra sao nhằm cắt giảm dòng tiền chảy vào Nga.

Về các biện pháp trừng phạt, "liệu các biện pháp đó có hiệu quả không? Và nếu không, thị trường dầu mỏ đang vận động như thế nào xung quanh các động thái này?", theo nhà phân tích Myllyvirta tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch./.

Cùng chuyên mục

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Siêu bão Man-yi tấn công Philippines "có khả năng gây thảm họa"
Ngày 16/11, siêu bão Man-yi bắt đầu đổ bộ miền Trung Philippines với tốc độ gió tối đa là 195 km/giờ, với đường đi được cảnh báo "có khả năng gây thảm họa" tại quần đảo này. Đây là cơn bão lớn thứ 6 tấn công quốc đảo này trong vòng 1 tháng qua.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...