Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 11/05/2020 13:14 (GMT+7)

Muôn thuở học phí mùa Covid-19: Phản ứng học phí giữa phụ huynh và trường ‘quốc tế’ vẫn chưa có điểm dừng

Câu chuyện tranh chấp học phí giữa một số phụ huynh và trường ‘quốc tế’ mà con mình đang theo học vẫn chưa có điểm dừng. Dường như đây là nút thắt khó gỡ giữa vấn đề của cả hai bên.

Câu chuyện tranh chấp học phí giữa một số phụ huynh và trường ‘quốc tế’ mà con mình đang theo học vẫn chưa có điểm dừng

Đứng từ góc độ của phụ huynh, có rất nhiều người nhận thấy việc học online không mang lại hiệu quả như mong đợi mà lại còn phải trả tiền là điều khó chấp nhận. Vì thế, có rất nhiều nhóm phụ huynh từ các trường như Trường dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS), Trường Quốc tế Úc (AIS), Trường Sao Việt (Vstar), Trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan (VFIS)… đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng như Sở GD-ĐT TP. HCM, Bộ GD-ĐT.

Cho rằng đơn cầu cứu của mình không được ghi nhận, đã có một số phụ huynh kéo đến các trường những ngày qua và công khai phản đối chính sách thu học phí.

Theo lời của Anh T.V.N. (Q.1, TP. HCM) một phụ huynh có con học trong một trường quốc tế đã chia sẻ: Con anh học một trường quốc tế có cơ sở ở Sala (Q.2), từ ngày 3/2 đến 8/5 tổng cộng học online 38 giờ.

Nếu học thực tế trên lớp, số giờ sẽ là 402, nghĩa là tỉ lệ số giờ học trực tuyến với số giờ lẽ ra được học trực tiếp chỉ là 9,5%. “Do đó, nhà trường bắt đóng tới 30% học phí là quá vô lý” anh N. kết luận.

Cùng theo cách tính đó, một phụ huynh khác cũng quy ra tiền: “Trường con tôi dạy 38 giờ online trong hơn 3 tháng mà thu học phí 30% so với trước đây, tương đương 18 triệu. Như vậy học online gần 500.000 đồng/giờ, trong khi mình thuê giáo viên dạy kèm một giờ học tại nhà chỉ 150.000 đồng. Dạy online cho nhiều người cùng lúc mà lấy nửa triệu một người nghe thật choáng”.

Một phụ huynh nêu quan điểm điều họ mong muốn nhất là tính đúng và đủ: Nghỉ bao nhiêu phải bù bấy nhiêu, nếu không làm được phải hoàn trả học phí.

Theo trưởng bộ phận tuyển sinh của một trường quốc tế ở Q.2 (TP. HCM), cái khó ở đơn vị mình nằm ở đội ngũ giáo viên, thậm chí cả hiệu trưởng, chỉ làm việc theo đúng thời gian hợp đồng đã ký, nếu hết thời hạn, thường vào giữa tháng 6, họ sẽ về nước hoặc đến một quốc gia khác theo lịch làm việc tiếp.

Do đó, trường này khó lòng dạy bù trong dịp hè như yêu cầu vì thiếu nhân lực, thay vào đó sẽ bổ sung kiến thức ngay trong những ngày học tới đây, thêm hai tuần sau khi kết thúc năm học và nếu cần có thể bù trong năm sau.

Thông tin từ một phó hiệu trưởng một trường quốc tế tại Q.7 (TP.HCM) cho biết, đội ngũ chuyên môn của nhà trường nhận thấy sau khi học online, đa số học sinh vẫn tiến bộ và đạt các tiêu chuẩn cấp học, nhưng nhiều phụ huynh vẫn khăng khăng là con họ không tiếp thu được gì.

Cũng một chia sẻ từ Hiệu trưởng một trường quốc tế có phụ huynh đến yêu cầu đối thoại ở Q.2 cho hay: “Thật khó để đáp ứng mọi nhu cầu của phụ huynh và cân bằng mọi thứ, nhà trường cố gắng làm sao cho ổn thỏa nhất bởi bên cạnh phụ huynh còn là các giáo viên, khoản chi phí đã đầu tư dạy học… nhưng điều quan trọng nhất là thành tích của các con vẫn được nhà trường đảm bảo”, vị Hiệu trưởng này cũng chia sẻ.

Rõ ràng phụ huynh và nhà trường đều có đánh giá của riêng mình về câu chuyện học phí: Như thế nào là đúng và như thế nào là đủ.

Câu chuyện học trực tuyến hay ngoại tuyến lúc này đang được ví như một “món hàng” với các định giá khác nhau, mâu thuẫn nhau liền dẫn tới tranh chấp giữa hai bên, người bán thì nói có lý khi đã bỏ nhiều công sức cho việc đầu tư và giảng dạy; người mua cũng không nhận mình sai khi đánh giá chất lượng ở mức thấp…

Tuy nhiên, điều cần xác định rõ ở đây là “món hàng” này chính là nền móng của giáo dục, cho nên việc cả hai bên, phụ huynh và nhà trường luôn cần có cái nhìn thiện chí về đúng và đủ của cả hai bên để cùng tìm cách gỡ nút thắt khó này.

Bởi không chỉ riêng phụ huynh hay nhà trường, mà chính học sinh, con em phụ huynh cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc tranh chấp giữa 2 bên.

Cùng chuyên mục

Tin mới