Na Uy lên kế hoạch khai thác khoáng sản dưới đáy biển
Giới chức Na Uy đang hoàn thiện kế hoạch khai thác khoáng sản dưới đáy biển Greenland và biển Na Uy, phía tây nam quần đảo Svalbard ở Bắc Cực, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về những nguồn tài nguyên này ở châu Âu
Bộ Dầu mỏ và năng lượng Na Uy đang gấp rút soạn thảo đề xuất cho phép thăm dò và khai thác khoáng sản ở một khu vực biển rộng, có diện tích gần bằng nước Đức, với tham vọng trở thành quốc gia đầu tiên khai thác kim loại pin từ đáy biển. Việc khai thác kim loại dưới biển sâu sẽ giúp châu Âu đáp ứng nhu cầu cấp thiết về khoáng sản và đất hiếm cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.
Đề xuất sẽ được đệ trình lên quốc hội Na Uy trong hai tuần tới nhưng dự kiến sẽ vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp đánh bắt cá và các tổ chức bảo vệ môi trường.
Theo dữ liệu, khu vực này ước tính có tới 38 triệu tấn đồng, nhiều mỏ coban lớn, cùng các mỏ đất hiếm như neodymi và dysprosi, được sử dụng để lắp ráp xe điện và tuabin gió.
Chất lỏng chảy ra từ các lỗ thông hơi thủy nhiệt như ở vùng biển của Na Uy cũng chứa các kim loại khác được sử dụng trong pin xe điện, bao gồm cả cobalt. Trong khi đó, lớp vỏ chứa kim loại đáy biển có thể được khai thác để lấy các kim loại đất hiếm như neodymium và dysprosium. Đây là hai kim loại được sử dụng để chế tạo siêu nam châm cho tuốc-bin gió và động cơ của xe điện. Phần lớn chuỗi cung ứng đất hiếm đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Nếu kế hoạch trên được thông qua, Na Uy sẽ là quốc gia đầu tiên có tiềm năng khai thác kim loại sản xuất pin từ đáy biển.
Amund Vik, Quốc Vụ khanh Bộ Dầu mỏ và năng lượng Na Uy, nói với Financial Times rằng việc khai thác kim loại dưới biển sâu sẽ giúp châu Âu đáp ứng “nhu cầu cấp bách về nhiều khoáng sản, nguyên liệu đất hiếm để thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh”. Ông nói thêm rằng chính phủ Na Uy sẽ thực hiện “cách tiếp cận cẩn trọng” đối với các vấn đề môi trường.
Ngoài chuyển đổi xanh, khai thác khoáng sản dưới biển sâu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực của EU nhằm giảm phụ thuộc kinh tế Trung Quốc, khi nguồn cung hiện tại của các kim loại này phần lớn do Trung Quốc kiểm soát. Hiện nay, 98% nhu cầu về đất hiếm của châu Âu được đáp ứng thông qua nhập khẩu từ Trung Quốc.
Rào cản tiềm ẩn
Na Uy lập luận rằng quốc gia này có quyền khai thác độc quyền theo Hiệp ước Svalbard năm 1920.
Hiệp ước này trao cho Oslo chủ quyền đối với với quần đảo Svalbard, nhưng vẫn trao cho các quốc gia khác quyền hoạt động kinh tế trên đất liền và trong vùng lãnh hải xung quanh quần đảo này. Do đó, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều bất đồng với Na Uy về diện tích vùng biển được xác định trong hiệp ước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đánh bắt cá lo ngại ô nhiễm từ hoạt động khai thác khoáng sản có thể làm giảm sản lượng đánh bắt của họ. Jane Sandell, CEO của Công ty đánh bắt hải sản UK Fisheries, cho biết bà lo ngại về khả năng các hạt kim loại nặng độc hại giải phóng từ đáy biển. UK Fisheries sở hữu siêu tàu đánh cá Kirkella, một trong những tàu đánh cá cuối cùng của Anh có thể hoạt động ở các vùng biển xa.
Sverre Johansen, Tổng thư ký Hiệp hội Ngư dân Na Uy, cho biết ngành đánh bắt cá của Na Uy không ủng hộ đề xuất trên. Chính phủ Na Uy cho rằng “khả năng xung đột quyền lợi” là nhỏ, do hoạt động đánh bắt cá và giao thông tàu bè ở khu vực quần đảo Svalbard chỉ ở mức hạn chế.
Cơ quan Môi trường Na Uy (NEA) cũng phản đối mạnh mẽ kế hoạch này. Trong một phản hồi tham vấn, NEA cho rằng đề xuất khai thác khoáng sản của Bộ Dầu mỏ và năng lượng vi phạm khuôn khổ pháp lý của Na Uy về thăm dò đáy biển do không cung cấp đủ dữ liệu bền vững.
Cơ quan này cảnh báo về “những hậu quả lớn và không thể đảo ngược đối với môi trường biển” do hoạt động khai thác khoáng sản dưới đáy biển. Đồng thời, NEA lập luận rằng các miệng núi lửa hoặc lỗ thông hơi thủy nhiệt nên được giữ nguyên và chỉ cho phép khai thác khoáng sản ở những khu vực nhỏ.
Một vấn đề nữa là lâu nay Na Uy là một trong những nước lên tiếng mạnh mẽ nhất để kêu gọi các nỗ lực bảo vệ các đại dương. Na Uy cũng tự hào là nơi có nguồn cá được đánh bắt bền vững.
Kaja Loenne Fjaertoft, nhà sinh học biển tại chi nhánh Na Uy của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), cho rằng chính phủ Na Uy đang có quan điểm bất nhất, vì vừa kêu gọi bảo tồn biển, vừa thúc đẩy kế hoạch khai khoáng sản dưới đáy biển.
Hồi tháng 3, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre, hiện là đồng chủ tịch của sáng kiến Ocean Panel, gồm các nhà lãnh đạo thế giới cam kết bảo vệ đại dương, nói với một tờ báo địa phương rằng việc khai thác khoáng sản dưới biển sâu có thể được thực hiện mà không gây tổn hại cho đa dạng sinh học.
Ngay sau đó, Liên minh Bảo tồn biển sâu, bao gồm các tổ chức phi chính phủ quốc tế như WWF, Fauna & Flora và Greenpeace đã chỉ trích “tuyên bố sai lầm” của ôngJonas Gahr Støre cho rằng việc khai thác dưới biển sâu có thể được thực hiện theo cách không gây tổn hại cho sự đa dạng tự nhiên trong đại dương.
Theo Egil Tjaland, Tổng thư ký của Diễn đàn Na Uy về khoáng sản biển, với nền tảng dầu khí mạnh xa bờ mạnh mẽ, vùng biển nước sâu là một “đặc sản” của Na Uy. Gần đây, diễn đàn này đã tổ chức một hội thảo tại Berlin để thảo luận về quan hệ đối tác giữa ngành công nghiệp Na Uy và Đức trong lĩnh vực khai thác khoáng sản dưới biển sâu.