Nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Nhằm giúp bà con hiểu rõ hơn về lợi ích của bảo hiểm y tế và tích cực tham gia, cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum đã xuống tận làng, tập hợp bà con để tư vấn, tuyên truyền các chính sách.
Kon Tum là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất của khu vực Tây Nguyên, với khoảng 55%.
Đa số bà con sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên kiến thức về bảo hiểm y tế không nhiều.
Thay vì mua bảo hiểm y tế, nhiều hộ dân đã không tham gia bảo hiểm, dẫn đến những khó khăn khi khám, chữa bệnh. Vì vậy, để nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, nhất là tại những vùng không còn được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều phương pháp tuyên truyền nhằm giúp bà con hiểu rõ hơn về lợi ích của bảo hiểm y tế và tích cực tham gia.
Đa dạng phương pháp tuyên truyền
Một trong những phương pháp tuyên truyền hiệu quả nhất của các cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum là xuống tận làng, tập hợp bà con để tư vấn, tuyên truyền các chính sách bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, bà con phải canh tác nông nghiệp do đó không phải lúc nào cũng tập hợp được.
Chị Hoàng Thu Thủy, Phó trưởng Phòng Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum, cho biết các cán bộ truyền thông của đơn vị đã tận dụng sáng thứ Hai hàng tuần, khi bà con chào cờ để kết hợp với tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các cán bộ bảo hiểm tạo mối liên hệ chặt chẽ với già làng, người có uy tín trong cộng đồng để tập hợp bà con. Thậm chí, cán bộ bảo hiểm còn tận dụng buổi tối, khi bà con đã đi làm về để tuyên truyền về những lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế.
“Tập hợp được bà con đã khó, nói thế nào để bà con hiểu lại càng khó khăn hơn. Có những buổi, chúng tôi phải nói chuyện với bà con hai, ba giờ đồng hồ. Khi nào hỏi lại, bà con hiểu hết rồi, anh chị em mới kết thúc buổi tuyên truyền. Đối với những lúc phải tuyên truyền buổi tối, chúng tôi cố gắng sắp xếp thời gian để đi, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình," chị Hoàng Thu Thủy tâm sự.
Chính nhờ những buổi tuyên truyền như vậy, người dân đã hiểu hơn về bảo hiểm y tế và tích cực tham gia. Ông A Phéo, Trưởng thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, cho biết tại mỗi buổi tuyên truyền, ông đều phối hợp với cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh trong việc tập hợp bà con. Thông qua các buổi tuyên truyền, bà con trong thôn đã hiểu rõ hơn về những lợi ích của bảo hiểm y tế, nhất là khi đau ốm, bệnh tật.
Đến nay, toàn thôn Đăk Kia có khoảng 60-70% người dân tham gia bảo hiểm y tế, đa số bà con tự mua. Ông A Phéo đã mua bảo hiểm y tế cho cả 5 người trong gia đình.
Cùng với các giải pháp trên, việc tuyên truyền trực tiếp tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh được cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, việc chuẩn bị tăng mức lương cơ sở, kéo theo phí bảo hiểm y tế tăng theo từ ngày 1/7 tới được đẩy mạnh tuyên truyền.
Trong buổi tuyên truyền sáng 28/6, các cán bộ của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum đã phát hơn 300 tờ rơi, trực tiếp tư vấn cho hàng trăm người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhờ đó, không ít người đã gia hạn bảo hiểm y tế trước thời điểm tăng phí, tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.
Dù thẻ bảo hiểm y tế của gia đình còn hạn đến cuối tháng 7/2023, song anh Lê Quang Thắng (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) đã gia hạn thẻ cho cả gia đình để tiết kiệm chi phí.
Đẩy mạnh số hóa, nâng cao tỷ lệ bao phủ
Ông Nguyễn Tấn Sang, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum, cho biết đến nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt 91,16% dân số, tăng 0,71% so với cùng kỳ năm trước, song lại giảm 1,93% so với cuối năm 2022. Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, tỉnh Kon Tum có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới. Người dân tại các xã này không còn được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế của Nhà nước.
Ông Nguyễn Tấn Sang phân tích dù có nhiều lợi thế, song đến nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân Kon Tum vẫn còn thấp, do nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa về bảo hiểm y tế chưa cao; điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống còn nhiều thiếu thốn. Không chỉ vậy, nhiều gia đình có đông thành viên, từ 6-8 người, việc tự mua thẻ bảo hiểm y tế cho cả gia đình là một gánh nặng, vì số tiền khá lớn so với thu nhập.
“Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tuyên truyền, phổ biến, thông tin kịp thời, truyền thông về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách bảo hiểm y tế đối với đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Người dân khi hiểu rõ sẽ tham gia bảo hiểm y tế, góp phần nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế," ông Nguyễn Tấn Sang nhấn mạnh.
Cùng với tuyên truyền, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum tích cực triển khai số hóa dữ liệu bảo hiểm y tế để thuận tiện cho người dân. Bên cạnh sử dụng ứng dụng VssID, việc hướng dẫn sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử để khám, chữa bệnh được triển khai.
Theo thống kê, đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh đã có gần 194.000 lượt tra cứu thông tin khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp. Trên 130.000 lượt đã tra cứu thành công và thực hiện khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, việc ứng dụng khám, chữa bệnh trên ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân gắn chíp mang lại nhiều lợi ích cho người dân và bệnh viện.
Bác sỹ Lê Hữu Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết đơn vị thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám, chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế. Người bệnh có thể ở tại nhà, đăng ký khám bệnh thông qua website hoặc số điện thoại của bệnh viện. Khi đến bệnh viện, họ có thể sử dụng ứng dụng VssID hoặc VNeID để đăng ký khám, chữa bệnh.
“Trước đây, tỷ lệ người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại bệnh viện thông qua ứng dụng chỉ chiếm khoảng 10%. Một năm trở lại đây, bằng việc cải cách, ứng dụng công nghệ, đến nay, tỷ lệ người dân sử dụng các ứng dụng đăng ký khám, chữa bệnh đã lên đến trên 70%. Các ứng dụng mang đến nhiều lợi ích rõ rệt, tiết kiệm thời gian và giảm thủ tục hành chính trong quá trình đăng ký khám, chữa bệnh, tránh thất lạc giấy tờ, đảm bảo được độ chính xác thông tin của người dân," bác sỹ Lê Hữu Lợi cho biết.