Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 08/06/2020 04:14 (GMT+7)

Nghệ An: Hàng loạt công trình không phép mọc trên đất nông nghiệp

Hiện trên địa bàn xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu, Nghệ An) danh sách các công trình vi phạm pháp luật về xây dựng “mọc như nấm”.

Thời gian qua tòa soạn nhận được nhiều đơn thư của các hộ dân thuộc xã Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An) phản ánh khu vực đất nông nghiệp dọc tuyến đường Quốc phòng thuộc xã Diễn Trung có rất nhiều ao hồ nuôi trồng thủy sản dọc đê ngăn mặn, cũng như nhiều công trình xây dựng không phép mọc lên “như nấm”. Thậm chí, một số hộ dân phá cả rừng phòng hộ chắn bão để đào ao nuôi trồng thủy sản, dấy lên nhiều lo ngại khi mùa mưa bão về.

Chính quyền dung túng cho tồn tại công trình không phép?

Theo khảo sát của nhóm PV, hiện trên địa bàn xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu, Nghệ An) danh sách các công trình vi phạm pháp luật về xây dựng “mọc như nấm”. Như trường hợp hộ ông Nguyễn Hữu Sỹ, Nguyễn Hữu Thiện, Lê Văn Thế, Nguyễn Khánh Hồng… ở xóm 4. Hộ ông Nguyễn Cần, Cao Văn Hồng… xóm 2B. Hộ ông Nguyễn Chín xóm 9.

Điều đáng nghi ngại, nhiều công trình của các hộ dân trên được xây dựng kiên cố bằng cột bê tông, có mái che kiên cố. Những công trình này được sử dụng nuôi gia súc, gia cầm. Do xây dựng tự phát, nên hệ thống thoát nước, xử lý rác thải chưa đúng quy định nên ô nhiễm môi trường trầm trọng. Rác thải từ các chuồng trại xả ra hôi hám. Nhất là những ngày nắng nực, mùi hôi bốc lên cả một vùng khiến người dân đi qua đều phải che mũi, nhăn mặt.

Ông Đậu Hồng T., một người dân xóm 4 xã Diễn Trung, Diễn Châu (Nghệ An) thông tin: “Không hiểu sao hàng loạt công trình không phép mọc lên như vậy mà chính quyền không xử lý dứt diểm? Chính quyền chắc biết hết thôi, nhưng có lợi lộc gì nên im lặng?. Dân chúng tôi chỉ biết đứng nhìn, chứ kêu ca cũng chẳng ích gì. Có xử lý, cũng nhẹ nhàng rồi sau đó đâu lại vào đấy”.

Theo một chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực đất đai cho biết: “Thông thường đất nông nghiệp nếu muốn chuyển đổi để xây dựng chuồng trại. Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì cần làm hồ sơ xác nhận vào Đơn đăng ký; xác nhận mục đích sử dụng đất vào Giấy chứng nhận; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính… Tuy nhiên, khu vực xã Diễn Trung giáp biển, nên ở đây đất nông nghiệp có một số vùng được trồng rừng phòng hộ chắn bão. Đặc biệt, nơi đây có đường quốc phòng trọng yếu nên việc xây dựng các khu vực chăn nuôi của người dân cần kiểm tra, cân nhắc kỹ càng hơn”.

Dân “tố” chính quyền xã tự tung tự tác?

Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1987, trú tại xóm 4, xã Diễn Trung, Diễn Châu, Nghệ An) thì gia đình được nhà nước cấp một thửa đất nông nghiệp 1041,7m2 ( thửa đất số 432 tờ bản đồ 04) tại khu vực phía tây đường quốc phòng, thuộc xóm 4 xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu, Nghệ An) dùng để trồng hoa màu.

Do canh tác hoa màu không hiệu quả vì đất bị nhiễm mặn nên từ tháng 8/2019 đến tháng 3/2020, bố anh Sơn là ông Nguyễn Hồng Sáu, một bệnh binh mất sức 71%, hỏng 1 bên mắt, có vay 450 triệu đầu tư xây tường bao thửa đất trên, thuê đổ kê thêm đất màu làm đất mặt canh tác, lắp đặt hệ thống vòi phun nước tự động, xây dựng nhà giàn để trồng cây rau má, và chăn nuôi nhỏ.

Ông Nguyễn Hồng Sáu trú tại xóm 4 (xã Diễn Trung, Diễn Châu, Nghệ An) bức xức tố cáo chính quyền xã Diễn Trung xử lý gấp gáp, làm hư hỏng tài sản của gia đình ông, mà không xử lý các công trình vi phạm về xây dựng khác trên địa bàn.

“Trong quá trình kê đất và dựng nhà giàn, gia đình tôi không nhận được bất cứ một thông báo hay văn bản nào của UBND xã Diễn Trung nhắc nhở về việc dựng nhà giàn là trái pháp luật. Nhưng đến 08h sáng ngày 29/05/2020 có một đoàn cán bộ ủy ban xã Diễn Trung xuống tại thửa đất đề nghị dừng thi công, khi đó bố tôi đang ở nhà, chỉ có thợ đang làm nhà giàn ở đó, và toàn bộ thợ nghe vậy nên dừng thi công và thu dọn dụng cụ làm việc ra về. Sau đó đến 9h sáng cùng ngày có một đoàn cán bộ xã Diễn Trung đến nhà gặp bố tôi và lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với việc xây dựng ở thửa đất trên.

Các cán bộ của UBND xã Diễn Trung, họ yêu cầu trong khoảng 3 tiếng đồng hồ bắt buộc tháo dỡ hết. Gia đình tôi chưa thấy một văn bản tréo ngoe nào như thế”. Anh Nguyễn Văn Sơn cho PV biết.

Cũng theo anh Sơn, “sau đó chính vị Chủ tịch xã Trần Văn Dung đã bước lên chỗ nhà giàn và hô hào ra lệnh cho mọi người tập hợp lên để đập phá. Trước tình hình đó tôi đã đứng ra giữa đám đông và nói là gia đình đề nghị ủy ban xã cho tự tháo dỡ, hoặc đình chỉ thi công và không đập phá làm hư hỏng tài sản. Nhưng ông chủ tịch xã hùng hổ tuyên bố là phải đập bỏ phá hết, sai tôi chịu trách nhiệm. Và rồi đích thân ông Dung là người đầu tiên vừa cầm búa tạ đập phá các cột trụ bê tông vừa hô hào ra lệnh cho cán bộ cấp dưới cùng đập phá toàn bộ nhà dàn”.

Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai do UBND xã Diễn Trung lập, bị gia đình ông Nguyễn Hồng Sáu cho là chóng vánh, lập lúc 8 giờ sáng ngày 29/5/2020, nhưng yêu cầu đến 11 giờ 30 cùng ngày phải tháo dỡ xong.

Có mặt tại hiện trường, nhóm PV nhận thấy toàn bộ nhà dàn với trụ bê tông, khung sắt bị phá hỏng hoàn toàn. Cột trụ bị đập nát bét, các kết cấu khung sắt bị hư hỏng nằm ngổn ngang. Theo phản ánh của gia đình ông Sáu, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

“Tôi là một bệnh binh nặng, mất sức gần 70%, một bên mắt hỏng hoàn toàn. Tôi thấy nhiều người cũng làm nhà giàn như chúng tôi, sao chính quyền không phá. Trong khi đó, biết là sai gia đình xin tự tháo dỡ để giảm thiểu thiệt hại sao không được. Cứ bắt buộc phải phá nát, mới hả dạ là sao? Tôi thấy ông Chủ tịch xã Trần Văn Dung đang muốn phá hoại tài sản của một bệnh binh như tôi, chứ không phải thực thi công vụ. Chính quyền xã quá tự tung tự tác”. Ông Nguyễn Hồng Sáu, bức xúc nói với PV.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Dung – Chủ tịch UBND xã Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An) cho biết: “Việc gia đình ông Nguyễn Hồng Sáu xây dựng công trình xây dựng trái phép, chưa đăng ký biến động đất với chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương phát hiện trong ngày thì phải xử lý trong ngày phải giải tỏa, khi thống nhất thì gia đình không có động thái, làm chù chuầy thì bắt buộc chúng tôi phải tháo dỡ”.

Ông Trần Văn Dung – Chủ tịch UBND xã Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An) đích thân dùng búa tạ phá công trình vi phạm của gia đình ông Nguyễn Hồng Sáu (Hình ảnh do người dân cung cấp).

Việc để hàng loạt công trình trên địa bàn xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, không xử lý để xảy ra khiếu nại trong thời gian dài. Cũng như thiếu công bằng trong xử lý sai phạm trên địa bàn đang gây nhiều nghi vấn thiếu minh bạch trong điều hành công việc gây bất bình trong dư luận. Cơ quan báo chí xin chuyển sự việc về huyện Diễn Châu (Nghệ An) để trả lời dư luận, tránh đơn thư khiếu nại kéo dài.

Đơn đề nghị của anh Nguyễn Văn Sơn và ông Nguyễn Hồng Sáu gửi báo.

Cùng chuyên mục

Mua đất thuộc quy hoạch có được trả lại tiền?
Khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chỉ có đất), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (đất, nhà ở và tài sản khác nếu có) thuộc quy hoạch nhưng người nhận chuyển nhượng không biết thì có quyền trả lại đất và yêu cầu bên chuyển nhượng trả lại tiền.
Thủ tục cấp mới chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
Theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, để được hành nghề môi giới bất động sản, cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Vậy, thủ tục cấp mới chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản được thực hiện như thế nào?
Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024
Sau khi lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã đề xuất chọn phương án giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 vì phương án này phù hợp với tình hình diễn biến mới về kinh tế - xã hội của cả nước.

Tin mới