Nghi vấn Phó Giám đốc Sở hiếp dâm cấp dưới: Nạn nhân rút đơn nhưng vẫn có thể khởi tố
Trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự hoặc việc rút đơn của nạn nhân là do bị ép buộc thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục giải quyết và không chấp nhận rút đơn của người bị hại.
Sáng ngày 06/8, Công an tỉnh Thái Nguyên đã có thông tin chính thức về đơn trình báo của một nữ cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH-ĐT) tỉnh Thái Nguyên về việc đã bị ông Đ.D.A., Phó giám đốc Sở này, xâm phạm nhân phẩm, danh dự ngay tại cơ quan.
Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, khoảng 20 giờ ngày 03/8, Công an TP. Thái Nguyên nhận được đơn trình báo và đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can của chị N.T.T, là cán bộ Sở KH-ĐT tỉnh Thái Nguyên.
Trong đơn, chị T. trình bày việc bị ông Đ.D.A., Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thái Nguyên, có hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự và đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều Công an TP. Thái Nguyên khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông A. về hành vi trên.
Sau khi tiếp nhận đơn của chị T., Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên đã tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh theo quy định. Tuy nhiên, đến 14 giờ 30 ngày 04/8, chị T. đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên nộp đơn xin rút yêu cầu khởi tố.
Công an tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ Thái Nguyên về vụ việc này và phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Vậy trong trường hợp này, nạn nhân đã rút đơn thì liệu ông Phó Giám đốc Sở có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Liên quan đến vụ việc này, ông Hoàng Văn Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, đơn vị đã có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, yêu cầu đảng viên, chi bộ, Đảng ủy Sở KH-ĐT giải trình, kiểm điểm.
"Đồng chí Đ.D.A. đã có tường trình, nhận những sai sót của mình trong quá trình ứng xử nơi công sở. Việc xảy ra sàm sỡ nhân viên là có thật. Hiện tại chúng tôi đang làm việc về dấu hiệu vi phạm đó, xem vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Nếu để kéo dài sẽ tạo dư luận quần chúng sẽ không tốt. Còn để xác định việc vi phạm xa hơn thì có cơ quan điều tra đang làm việc và tiến hành điều tra. Sau khi có kết quả sự việc chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí", ông Hoàng Văn Hùng cho biết thêm.
Nạn nhân đã rút đơn vẫn có thể khởi tố
Đánh giá về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng nếu nạn nhân rút đơn không tự nguyện hoặc trường hợp vi phạm là nghiêm trọng thì việc giút đơn không có ý nghĩa, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc. Theo thông tin, Cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và thu giữ được những vật chứng của vụ án. Mặc dù đối tượng chưa thực hiện được đến cùng hành vi phạm tội là quan hệ tình dục trái ý muốn với nạn nhân nhưng những thông tin tình tiết ban đầu cho thấy hành vi có dấu hiệu tội phạm về tội “Hiếp dâm” theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tội “Hiếp dâm” là tội danh cấu thành hình thức, theo đó chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác tấn công nạn nhân với mục đích nhằm quan hệ tình dục trái ý muốn với nạn nhân là hành vi đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã thực hiện xong hành vi quan hệ tình dục hay chưa, đã thỏa mãn sinh lý hay chưa.
Với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được để thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn thì đây là hành vi phạm tội và người phạm tội phải đối mặt với hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù.
Theo Luật sư Cường, trường hợp phạm tội ở khoản 1, Điều 141 Bộ luật Hình sự thì pháp luật quy định phải có đơn đề nghị xử lý hình sự của người bị hại thì cơ quan tố tụng mới xem xét giải quyết. Trường hợp trong quá trình giải quyết mà người bị hại tự nguyện rút đơn thì vụ án sẽ được đình chỉ.
Còn nếu phạm tội thuộc khoản 2 trở lên thì việc xử lý sẽ không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Cụ thể Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:
Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Như vậy, nếu trong quá trình xác minh tin báo mà cơ quan điều tra cho thấy việc bị hại rút đơn là do bị ép buộc, cưỡng bức thì việc rút đơn này không có hiệu lực, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Luật sư cũng phân tích thêm, sau khi nhận được đơn xin rút đơn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của nạn nhân thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm việc với nạn nhân để làm rõ việc rút đơn có tự nguyện hay không, có bị ai ép buộc, cưỡng bức hay không làm cơ sở để căn cứ vào Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 141 Bộ luật Hình sự để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét dấu hiệu hành vi vi phạm có thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 141 Bộ luật Hình sự trở lên hay không?
Trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự hoặc việc rút đơn của nạn nhân là do bị đe dọa, ép buộc thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục giải quyết và không chấp nhận rút đơn của người bị hại.
Cần xem xét kỷ luật ở mức cao nhất
Luật sư Cường bày tỏ rõ quan điểm, trường hợp nạn nhân tự nguyện rút đơn và không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ giải quyết tin báo và sẽ xử phạt hành chính. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ tiến hành xử lý kỷ luật đảng và kỉ luật về mặt chính quyền. Thiết nghĩ, cơ quan cần xử lý kỷ luật cán bộ này với mức cao nhất là cách chức, buộc thôi việc. Với đảng viên thì phải là người tiên phong, gương mẫu, phải chấp hành tốt chính sách pháp luật, phải tôn trọng đồng nghiệp. Tuy nhiên, hành vi của người này cho thấy sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, có hành vi vi phạm pháp luật nên cần bị xử lý kỷ luật với mức cao nhất là khai trừ ra khỏi đảng.
Có thể thấy rằng, sự việc này khiến dư luận rất bức xúc về đạo đức, lối sống của một số cán bộ, công chức hiện nay. Người xưa thường nói: “con thầy, vợ bạn, gái cơ quan” là những đối tượng phải đối xử tế nhị, tuyệt đối không được có những hành vi khiếm nhã, đi quá giới hạn để giữ gìn đạo đức xã hội và thể hiện tư cách của mình với những người xung quanh. Hành vi của vị cán bộ này cho thấy phẩm chất đạo đức thấp kém, thiếu tôn trọng danh dự nhân phẩm của người khác, coi thường pháp luật.