Người bị bệnh tiểu đường mắc Covid-19 có tỉ lệ tử vong cao
Bệnh nhân đái tháo đường là người có nguy cơ cao trong đại dịch Covid-19.
Với người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), cho đến nay chưa có số liệu rõ ràng nào cho thấy đối tượng này dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn người bình thường. Vấn đề của người bệnh ĐTĐ khi Covid-19 “ghé thăm” là dễ bị các biến chứng nặng hơn và kết quả điều trị kém hơn, dễ tử vong hơn.
Có phải người bệnh đái tháo đường nhiễm virus Covid-19 dễ bị biến chứng nặng?
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Minh Triết, Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, những người mắc bệnh tiểu đường khi nhiễm mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ chuyển biến bệnh nặng hơn so với người người bình thường. Nguyên nhân là bởi trong giai đoạn giãn cách xã hội, nếu người bệnh không kiểm soát tốt lượng đường huyết bên trong cơ thể dễ dẫn đến nhiều biến chứng. Đặc biệt, sức đề kháng của những người bệnh tiểu đường kém hơn, khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể cũng bị suy giảm.
Theo thống kê, người bệnh tiểu đường nếu bị nhiễm Covid-19 có dấu hiệu nặng hơn và tỷ lệ tử vong tăng gấp ba lần người bình thường. Vì vậy, họ được khuyến cáo phải tiêm đầy đủ vaccine Covid-19.
Nguy cơ bị bệnh nặng sau khi nhiễm virus Covid-19 không khác biệt giữa đái tháo đường typ 1 và đái tháo đường typ 2 nhưng có thể khác biệt tùy theo tuổi của bệnh nhân và có hay không các biến chứng của đái tháo đường. Tuổi cao (> 70), kiểm soát đường huyết tồi hoặc để đường huyết dao động nhiều, có các biến chứng mạn tính, nhất là biến chứng tim mạch, biến chứng thận… là những yếu tố dự báo bị bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao.
Tại sao bệnh nhân đái tháo đường nhiễm Covid-19 dễ bị biến chứng nặng và tử vong?
Có 3 nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đái tháo đường dễ bị biến chứng nặng: – Hệ miễn dịch ở bệnh nhân đái tháo đường yếu, khó đánh bại virus, làm kéo dài quá trình hồi phục – Đường huyết cao có thể là môi trường tốt cho virus phát triển. – Có biến chứng hoặc bệnh đi kèm như bệnh tim mạch, tăng huyết áp…làm nặng thêm bệnh
Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát đường huyết ở các bệnh nhân đái tháo đường nhiễm Covid-19 khó khăn là:
– Chế độ ăn và giờ ăn thay đổi, nhất là bệnh nhân ở các khu cách ly – Thiếu hoặc thay đổi các thuốc uống đái tháo đường tại vùng bị cách ly – Bệnh nhân bị viêm, nhiễm khuẩn… khi đó cơ thể có phản ứng tăng tiết glucocorticoid và một số nội tiết tố khác để chống stress và viêm nhưng chính các nội tiết tố này lại làm tăng đường huyết – Lo âu, sợ hãi, căng thẳng (stress) cũng làm tăng đường huyết – Một số bệnh nhân nặng cần điều trị glucocorticoid – Bản thân virus Covid-19 kích thích cơ thể tăng sản xuất nhiều cytokine viêm, gây stress nặng ở các bệnh nhân nặng và nguy kịch – Ảnh hưởng của các thuốc giảm đau chống viêm (Aspirrin, Paracetamol, Ibuprofen…) được sử dụng dể điều trị làm giảm triệu chứng của bệnh – Không tập thể dục do chỉ ở trong nhà
Để phòng tránh và giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng của Covid-19 nếu mắc phải, những người mắc bệnh tiểu đường cần tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, cần lưu ý duy trì sử dụng thuốc điều độ và không tự ý ngưng thuốc. Đảm bảo các chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý như trong trường hợp không có dịch. Nếu thấy có triệu chứng bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị./.