Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 04/12/2024 05:39 (GMT+7)

Người dân không mổ lợn chết, ăn thịt tái, tiết canh để phòng bệnh liên cầu lợn

Ngày 3/12, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thông tin, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 32 tuổi (trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chuyển từ tuyến y tế cơ sở đến với chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Đình Thăng (Khoa Hồi sức tích cực), trước đó, bệnh nhân mổ một con lợn chết không rõ nguyên nhân. 5 giờ sau khi mổ lợn, bệnh nhân xuất hiện sốt rét run, mệt mỏi, kèm theo đau bụng, nôn nhiều.

Bệnh nhân được chỉ định vào Khoa Bệnh nhiệt đới điều trị trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, khó thở, đau bụng vật vã và vẫn tiếp tục nôn. 2 giờ sau, bệnh nhân xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp, tụt huyết áp, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân bị phù toàn thân, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân và ở mặt, suy đa phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu…

Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn và được chỉ định lọc máu liên tục, kháng sinh phổ rộng liều cao, đồng thời can thiệp nhiều thủ thuật chuyên sâu khác. Kết quả cấy máu cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus Suis).Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tán huyết, hoại tử da… Bệnh nhân được điều trị tích cực trong 21 ngày, tình trạng sức khỏe cải thiện tốt. Hiện bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Bình Tĩnh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết, gần đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng, có trường hợp tử vong do đưa đến viện muộn trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nặng không hồi phục.Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Bình Tĩnh khuyến cáo, người dân cần nấu chín kỹ thịt lợn; không giết mổ lợn bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân. Đồng thời không ăn món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn; sử dụng trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống. Khi tiếp xúc với nguồn lây như lợn bệnh, sau khi ăn thức ăn có nguồn gốc từ lợn không đảm bảo vệ sinh mà xuất hiện triệu chứng bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên sâu gần nhất điều trị, hạn chế biến chứng.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus Suis gây nên. Người có thể lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc sản phẩm từ lợn bệnh. Liên cầu lợn có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua tổn thương trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến, ăn thịt lợn hoặc tiết canh lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.Trên người, biểu hiện thường gặp nhất là viêm màng não mủ (95%) với biểu hiện thường gặp như, sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác; 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc tai. Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng thành nhiễm khuẩn huyết sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

Cùng chuyên mục

Không được từ chối, xử trí chậm trễ ca bệnh cấp cứu dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Trong văn bản gửi Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ Y tế yêu cầu trong công tác khám chữa bệnh dịp này phải bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. 
Ô nhiễm không khí làm tổn thương nghiêm trọng não bộ
Theo tập san khoa học Nature ngày 14/1, nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra mối liên hệ giữa không khí ô nhiễm với chứng sa sút trí tuệ và các rối loạn não bộ khác. Giờ đây, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu cơ chế gây hại của các chất ô nhiễm và mức độ tác động của chúng.

Tin mới

Cẩn trọng khi mua, sử dụng thực phẩm để tránh ngộ độc dịp Tết
Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang tới gần, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều lượt khách tham dự. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Cảnh báo người dùng về những trò 'đỏ đen' trực tuyến dịp cận Tết
Các chuyên gia Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác trước những tin nhắn hoặc cuộc gọi mời chào tham gia trò chơi cờ bạc trực tuyến. Tuyệt đối không truy cập hoặc làm theo hướng dẫn trong các đường link liên kết dẫn đến những trang web cờ bạc.