Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 16/09/2022 16:54 (GMT+7)

Người nhận lương khoán có phải đóng BHXH không?

Thay vì trả lương cố định theo tháng, có những doanh nghiệp lại chọn trả lương khoán để nâng cao năng suất công việc. Vậy, lương khoán là gì, lương khoán được trả theo hình thức nào, người nhận lương khoán có phải đóng BHXH không?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn đều không giải thích thuật ngữ lương khoán là gì nhưng cũng đã đề cập đến cụm từ “lương khoán” trong các điều khoản quy định về hình thức trả lương.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Theo đó, có thể hiểu đơn giản, lương khoán là một hình thức trả lương căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành được người sử dụng lao động vận dụng để tính toán và trả tiền lương cho người lao động để họ thực hiện công việc.

Căn cứ khoản 1, Điều 96, Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động và người lao động được thỏa thuận với nhau để lựa chọn thức trả lương: Theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.

Do đó, người sử dụng lao động có thể đề nghị trả lương khoán nhưng vẫn cần có sự đồng ý từ phía người lao động.

Bản chất của lương khoán chính là người lao động sẽ nhận được tiền lương dựa trên mức độ hoàn thành khối lượng công việc được giao. Nếu hoàn thành hết trong thời gian thỏa thuận thì người lao động sẽ được nhận mức lương tối đa, đầy đủ theo thảo thuận. Đây là một hình thức trả lương công bằng, thể hiện đúng năng suất lao động của người lao động.

Lương khoán được trả theo hình thức nào?

Theo nguyên tắc trả lương được quy định tại Điều 94, Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì doanh nghiệp có thể trả lương cho người được người lao động đó ủy quyền hợp pháp.

Căn cứ khoản 2, Điều 94, Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 2, Điều 54, Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lương khoán được trả theo hình thức sau:

- Bằng tiền mặt

- Trả qua tài khoản cá nhân của người lao động mở tại ngân hàng.

Trường hợp trả lương qua tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp phải tự trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản cho người lao động và phí chuyển tiền lương.

Lưu ý: Tiền lương trả cho người lao động phải bằng tiền Đồng Việt Nam. Riêng trường hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì có thể trả lương bằng ngoại tệ.

Cũng theo khoản 1, Điều 54, Nghị định 145/2020/NĐ-CP, căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương khoán.

Trong đó, tiền lương thực tế được trả cho người lao động hưởng lương khoán sẽ được căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành công việc đó.

Để có thể dễ dàng tính tiền lương thực nhận khi chọn hình thức lương khoán, bạn đọc có thể tham khảo công thức sau đây:

Tiền lương = Mức lương khoán x Tỉ lệ % hoàn thành công việc.

Ví dụ: Chị A. được thuê công nhân đóng hộp khẩu trang với yêu cầu mỗi tháng phải thực hiện đóng 10.000 hộp khẩu trang thì được nhận 06 triệu đồng. Tuy nhiên, trong tháng đầu nhận việc, chị A. chỉ hoàn thành 8.000 hộp khẩu trang, đạt 80% sản phẩm được giao nên chị A. sẽ nhận được số tiền như sau: 06 triệu đồng x 80% = 4,8 triệu đồng 

Người nhận lương khoán có phải đóng BHXH không?

Luật sư cho biết, theo khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động chỉ cần ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên với doanh nghiệp thì sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Có thể thấy, việc có phải tham gia BHXH bắt buộc hay không sẽ phụ thuộc vào thời hạn hợp đồng lao động mà người lao động ký với doanh nghiệp.

Trường hợp thỏa thuận hình thức trả lương theo lương khoán tại hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì người lao động vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Lúc này, mức lương tháng tính đóng BHXH của người lao động sẽ được xác định theo khoản 26, Điều 1, Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bao gồm:

Tiền lương tháng đóng BHXH = Mức lương + Phụ cấp lương + Các khoản bổ sung khác có tính chất cố định.

Trong đó, mức lương được hướng dẫn tại điểm a, khoản 5, Điều 3, Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH là mức lương theo công việc hoặc chức danh, trong đó với người lao động hưởng lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định lương khoán.

Cùng chuyên mục

Những đơn vị tiếp nhận xử lý thông tin về vi phạm giao thông
Thời gian qua, một số trường hợp người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm trên mạng xã hội đã được CSGT ghi nhận, xác minh, xử lý. Vậy, lực lượng Công an có đầu mối tiếp nhận các loại thông tin này để người dân cung cấp trực tiếp không? Hướng dẫn cụ thể thế nào?
Một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT hưởng quyền lợi thế nào?
Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Thời hạn nộp chi phí tham gia đấu thầu
Đây là nội dung quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BKHĐT ngày 19/4/2024 của Bộ KH&ĐT về quản lý và sử dụng các chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Tin mới

Những đơn vị tiếp nhận xử lý thông tin về vi phạm giao thông
Thời gian qua, một số trường hợp người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm trên mạng xã hội đã được CSGT ghi nhận, xác minh, xử lý. Vậy, lực lượng Công an có đầu mối tiếp nhận các loại thông tin này để người dân cung cấp trực tiếp không? Hướng dẫn cụ thể thế nào?