Nguy cơ khối sông băng lớn nhất Italy biến mất trước cuối thế kỷ này
Sông băng Adamello - khối băng lớn nhất di chuyển chậm trên dãy núi Alps thuộc Italy, đang dần tan chảy do tình trạng nóng lên toàn cầu. Dự báo sông băng Adamello chỉ tồn tại trong chưa đầy 1 thế kỷ tới.
Ông Cristian Ferrari, chuyên gia nghiên cứu sông băng thuộc Hiệp hội những người leo núi thành phố Trent, cho biết: “Từ cuối thế kỷ XIX đến nay, chiều dài sông băng Adamello đã giảm khoảng 2,7 km. Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm sông băng mất đi 15m. Riêng trong năm 2022, chiều dài sông băng bị thu hẹp lên đến 139m”.
Ngoài ra, giống như các sông băng khác trên dãy Alps, sông băng Adamello đang chứng kiến lượng tuyết rơi giảm. Năm ngoái, lượng tuyết rơi trên sông băng này giảm đến 50%. Lớp tuyết phủ mỏng hơn, mùa Hè kéo dài hơn và nóng hơn khiến tuyết có ít thời gian đóng băng hơn.
Sông băng Adamello cũng đang có hiện tượng tách rời, cho thấy diện tích bề mặt băng tiếp xúc với nhiệt độ cao gia tăng.
Trong 4 năm qua, cứ vào mùa Hè, Hiệp hội Bảo vệ môi trường Italy (Legambiente) lại tổ chức các chuyến khảo sát thực địa xuyên dãy Alps để đánh giá tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với các sông băng. Thành phần tham gia chuyến đi bao gồm các nhà khoa học và nhà hoạt động vì môi trường.
Bà Vanda Bonario, thành viên cấp cao của Legambiente phụ trách khu vực dãy Alps, cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi đã quay trở lại các sông băng đã quan sát 2 năm trước đó và nhận thấy một sự thay đổi đáng kinh ngạc”. Bà cho hay, do tình trạng nắng nóng và hạn hán vào năm ngoái, các sông băng đã bị thu hẹp ở mức độ “không thể tưởng tượng được”. Đơn cử, riêng sông băng Forni ở vùng Lombardy đã bị thu hẹp hơn 100m. Bà nhấn mạnh tình trạng các sông băng cho thấy biến đổi khí hậu đang xảy ra với tốc độ nhanh hơn và với cường độ mạnh hơn.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, nhiệt độ ở khu vực dãy núi Alps thuộc Italy sẽ tăng từ 1-3 độ C vào năm 2050 và từ 3-6 độ C trước cuối thế kỷ này. Với tốc độ này, sông băng Adamello có thể sẽ biến mất hoàn toàn trước cuối thế kỷ XXI.