Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ra mắt tập thơ "Về với yêu thương"
Nếu ở tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi”, người yêu thơ được thấy hình ảnh của quê hương, đất nước,… thì ở tập thơ “Về với yêu thương” chứa đựng nhiều tình cảm thiết tha,…
“Tiếng vọng hồn sông núi” của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị- nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình xuất bản năm 2021, nguồn cảm hứng sáng tác đến từ nhiều chuyến đi tới các địa danh trong và ngoài nước, những cuộc gặp gỡ thân tình với con người từng vùng, miền,…
100 bài thơ, 14 bài thơ được phổ nhạc và 6 bài vọng cổ được viết từ thơ của tác giả Trương Hòa Bình thể hiện đầy đủ trong tập thơ “Về với yêu thương” do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành, ảnh bìa do nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn thực hiện.
100 bài thơ đan xen tình cảm thiết tha, lứa đôi, lãng mạn, trữ tình,… như: Thẫn thờ, Mơ trăng, Bâng khuâng, Hà Nội và em, Hơi thở đại ngàn, Đêm rừng, Nhớ, Ly cà phê đắng,… và có đủ 4 mùa: Xuân- Hạ- Thu- Đông như: Bốn mùa, Mùa xuân, Hương sắc mùa xuân, Tháng ba hoa gạo, Nắng vàng, Tháng tư mùa hoa kèn, Sài Gòn mưa tháng tư, Hoa tháng năm, Chớm thu Hà Nội, Tàn thu, Hoa tháng mười, Chớm đông, Lập đông,… Nhưng bài thơ dài nhất là bài “Từ Thức lên tiên” với 5 trang, bài thơ khắc họa lại câu chuyện truyền thuyết Từ Thức– Giáng Hương.
Nói về tập thơ “Về với yêu thương” của nhà thơ- tác giả Trương Hòa Bình, ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã viết: “Như nhiều người người biết, đồng chí Trương Hòa Bình, một lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có nhiều đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Và chúng ta còn biết, trong anh ẩn chứa một tâm hồn thơ mãnh liệt.
Thơ của Trương Hòa Bình có một giọng thơ rất riêng, mang đậm chất Nam Bộ, chuộng ý, chuộng tứ, chuộng cảm xúc, không nề hà câu chữ và kỹ thuật, giống như tấm lòng hào sảng, trọng nghĩa khí, thương người, yêu quê, không quan tâm nhiều đến vẻ bề ngoài của một người Nam Bộ đúng nghĩa…”.