Nhà sách Nhã Nam: Tổng tài sản hơn 160 tỷ đồng, ghi nợ người lao động gần 5 tỷ đồng
Dưới sự chèo lái của CEO Nguyễn Nhật Anh, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản Nhã Nam đạt khoảng 161 tỷ đồng. Nợ phải trả hơn 118 tỷ đồng; trong đó, khoản mục phải trả người lao động còn gần 5 tỷ đồng.
“Người bạn tinh thần” gây bức xúc dư luận
Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam là doanh nghiệp gắn liền với thương hiệu chuỗi nhà sách cùng tên nổi tiếng, gia nhập thị trường sách Việt Nam vào tháng 2/2005 với tác phẩm "Balzac và cô bé thợ may Trung hoa" của Đới Tư Kiệt.
Danh tiếng của nhà sách Nhã Nam được đông đảo độc giả biết đến nhiều hơn sau thành công vang dội của Nhật ký Đặng Thùy Trâm với gần 500.000 bản sách được phát hành, phá mọi kỷ lục về xuất bản trước đó, kéo theo một loạt những hiệu ứng xã hội và dư luận có ý nghĩa. Từ đó, Nhã Nam đã không ngừng giới thiệu với độc giả Việt Nam những cuốn sách văn học nước ngoài giá trị, thu hút nhiều tầng lớp độc giả.
Ngoài ra, trong suốt quá trình phát triển của mình, Nhã Nam gặt hái được nhiều giải thưởng của Hội nhà Văn Việt Nam, Hội nhà Văn Hà Nội, Giải sách Quốc gia…
Giới thiệu trên website của mình, công ty này chia sẻ: Nhã Nam, trên thực tế, đã trở thành một người bạn tinh thần, người định hướng đọc sách cho rất nhiều bạn trẻ, là cầu nối giữa độc giả Việt Nam với nền văn hóa đọc mênh mông của thế giới.
Đi kèm với đó, Nhã Nam đã phát triển được hệ thống sách ở các thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, những ngày qua, độc giả trên cả nước khá quan tâm việc ông Nguyễn Nhật Anh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam) có hành động không chuẩn mực với nữ nhân viên của hệ thống nhà sách này. Đáng nói, phải gần 1 tuần sau khi vụ việc xảy ra, phía Nhã Nam mới lên tiếng, gửi lời xin lỗi bạn đọc khiến những thông tin tiêu cực liên quan đến ông Nguyễn Nhật Anh lan nhanh.
“Chúng tôi xin lỗi vì những sự việc đã xảy ra, cũng như sự yếu kém của đội ngũ trong tiếp nhận thông tin và không có cách xử lý vấn đề thỏa đáng và kịp thời, khiến bạn đọc và các bên liên quan cảm thấy bất bình”, đơn vị này chia sẻ.
Đồng thời, phía Nhã Nam cho biết, về cáo buộc Tổng giám đốc Nguyễn Nhật Anh, đơn vị này quyết định tạm thời ngừng vị trí công tác của ông tại công ty.
Được biết, sau sự việc lùm xùm trên, Nhã Nam tổn thất lớn, bị một số tác giả thông báo ngừng hợp tác, yêu cầu công ty này cần lên tiếng giải thích trước những lùm xùm trên, cùng với đó nhiều độc giả cũng tẩy chay sản phẩm của Nhã Nam.
Tổng tài sản tăng nhanh, nợ người lao động gần 5 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam được thành lập ngày 21/1/2005 tại TP Hà Nội. Theo một công bố của doanh nghiệp vào năm 2018, tổng số nhân viên là 134 lao động, ông Nguyễn Nhật Anh đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Cập nhật đến tháng 8/2018, vốn điều lệ Nhã nam đạt 13 tỷ đồng, trong đó, ông Nguyễn Nhật Anh sở hữu 57,19%; ông Vũ Hoàng Giang sở hữu 6,5%; ông Trịnh Văn Cơ sở hữu 7,18% và cổ đông Dương Thanh Hoài nắm giữ 10,08% còn lại.
Dưới sự chèo lái của CEO Nguyễn Nhật Anh, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản Nhã Nam đạt khoảng 161 tỷ đồng, tăng thêm 28 tỷ đồng so với năm 2022.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền có hơn 4 tỷ đồng, khoảng 45 tỷ đồng phải thu nội bộ ngắn hạn; hàng tồn kho hơn 82 tỷ đồng.. Ngoài ra, Nhã Nam đã dành hơn 15 tỷ đồng để đầu tư vào công ty liên kết, liên danh.
Kết thúc năm 2023, nợ phải trả Nhã Nam khoảng 118 tỷ đồng, tăng 21 tỷ đồng sau 12 tháng. Bao gồm nợ vay tài chính hơn 66 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn 46 tỷ đồng.
Đáng chú ý khi tại ngày 31/12/2023, Nhã Nam còn ghi nhận hơn 200 triệu đồng thuế và các khoản phải nộp nhà nước, phải trả người lao động gần 5 tỷ đồng.