Nhà văn- nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Người “lưu giữ” kỷ niệm với nhiều nhân vật lịch sử
Nhà văn- nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải nổi tiếng với các tác phẩm về những nhân vật lịch sử như: Đại tướng Mai Chí Thọ, nhà tình báo chiến lược Trần Quốc Hương, điệp viên A13 Hoàng Đạo,… Đặc biệt là loạt sách về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn.
Khi hay tin nhà văn- nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải tham gia Giảng dạy khóa đào tạo “Kỹ năng báo chí” chuyên sâu do trường Đại học Khoa học Xã hội TP.HCM tổ chức, tôi liền đăng ký tham gia khóa học… Lớp học có gần 100 học viên, công tác ở nhiều cơ quan báo chí, văn phòng luật sư,… Với lời diễn giải ngắn gọn, súc tích và dẫn chứng cụ thể bằng những bài viết, hình ảnh,… nhà văn- nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải khiến cả trăm học viên ở lớp học hết sức thích thú và chăm chú lắng nghe lời của cô nói.
Nhà văn- nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải sinh ngày 31/1/1944 tại xã Tích Giang, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Cô từng là chuyên viên Thành ủy TP.HCM về công tác báo chí xuất bản; là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và là hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam, thuộc Hội Nhà báo TP.HCM. Cô còn là giảng viên khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông thuộc Trường Đại học dân lập Văn Lang TP.HCM, thường xuyên tham gia thỉnh giảng ở các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học văn hiến TP.HCM và ở nhiều lớp tập huấn báo chí của Hội Nhà báo TP.HCM,…
Về giải thưởng, đạt Giải B về văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam với cuốn sách “Tôi chết bắt đầu một thế giới sống năm 1997” (không có giải A); đạt Giải A tác phẩm “Phạm Xuân Ẩn– Tên người như cuộc đời” ở cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” năm 1999- 2002 và đạt Giải A Bộ Quốc phòng năm 2002,…
Nhà văn- nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải chia sẻ: “Đời phóng viên cho tôi cơ hội hành nghề với các nhà báo quốc tế đến Việt Nam, cùng nữ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud phỏng vấn các nhân viên y tế và những người bị thương trong trận máy bay Mỹ rải thảm Hải Phòng ngày 16/4/1972. Rồi tôi đi tu nghiệp tại Manila, thực tập hành nghề tại Philippines, Bangkok và sang Liên Xô, được gặp gỡ nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên Terescova… Năm 1987, tôi chuyển vào TP.HCM, làm chuyên viên phòng báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy. Tuy nhiên, tôi vẫn đi và viết hăng hái như thời “nhà báo có thẻ”…”
Bên cạnh những văn nghệ sĩ tên tuổi như Hồ DZếnh, Hoàng Cầm, Thanh Tùng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Trần Hữu Dũng, trong bộ “sưu tập” chân dung của nhà văn- nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải còn có nhiều nhân vật “lẫy lừng” khác như: Phạm Xuân Ẩn– Tên người như cuộc đời- Ký sự nhân vật (năm 2002), Trần Quốc Hương– Người chỉ huy tình báo- Ký sự nhân vật (năm 2003), Đại tướng Mai Chí Thọ- Ký sự nhân vật (2005), ,… mà cô cho rằng: “Những con người ưu tú, đó là tài sản tinh thần của dân tộc, nếu không khai thác sẽ bị mất đi theo thời gian”.
Lời tâm tình của nhà văn- nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải cũng thay lời kết cho bài viết này. Với những tác phẩm mà cô đã ra mắt cũng chính là tài sản tinh thần của dân tộc, là người đã “lưu giữ” kỷ niệm với nhiều nhân vật lịch sử. Chúc cô nhiều sức khỏe và luôn vững bước trên con đường mình đã và đang đi!