Ra mắt tác phẩm “Bác sĩ phẫu thuật”: Điều thú vị từ một nhà văn- bác sĩ
Một trái tim, một khối óc, một tình cảm chân thành,… đã được gửi gắm vào tác phẩm “Bác sĩ phẫu thuật” của nhà văn– bác sĩ Nguyễn Hoài Nam do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.
Nói về tác giả, nhà văn– bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, nhân dịp ra mắt tác phẩm “Bác sĩ phẫu thuật”, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân cho biết: “Lần đầu tiên, buổi ra mắt quyển sách của một nhà văn- bác sĩ phẫu thuật được tổ chức tại bệnh viện và bệnh viện này cũng vừa được khánh thành vài tháng trước mà vị bác sĩ phẫu thuật- tác giả quyển sách cũng là một trong những người xây nên cơ sở y tế tầm vóc này. Tôi xin chúc mừng bác sĩ- nhà văn Nguyễn Hoài Nam, người có trái tim mà nhịp đập không dành riêng cho mình, một trái tim tận tụy cống hiến cho y học, cho con người và cho trang viết. Chính bởi nhịp tim không đập cho riêng mình đã tạo nên một bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, một nhà văn Nguyễn Hoài Nam và một phẩm hạnh Nguyễn Hoài Nam, một phẩm hạnh tận hiến cho nghề, cho đời và cho con chữ".
Nhà thơ, nhà văn Lê Minh Quốc cho biết thêm: "Đọc hết tác phẩm Bác sĩ phẫu thuật, tôi hiểu thêm rất nhiều về công việc lặng thầm của đội ngũ thầy thuốc luôn hết lòng vì bệnh nhân. Đó là những ca trực liên tục với việc hội chẩn, mổ xẻ và đau đáu cùng sinh mạng người bệnh. Vậy mà nhà văn vẫn tranh thủ khoảnh khắc nghỉ ngơi đáng lẽ phải chợp mắt thì ông lặng lẽ ngồi vào bàn viết liên tục cho ra đời nhiều cuốn sách mới từ bệnh viện, từ phòng mạch..., bổ sung vào lực lượng các nhà văn là bác sĩ phẫu thuật giỏi đang rất ít ỏi hiện nay tại TP.HCM".
Tâm sự của tác giả
Tác giả “Bác sĩ phẫu thuật”- nhà văn Nguyễn Hoài Nam tâm sự: “Có người hỏi tại sao tôi viết văn và viết báo? Thật là khó nói là tại sao? Có nhiều người hỏi làm sao tôi có thể viết được những dòng văn đầy cảm hứng nghệ thuật như vậy được khi mà công việc kín mít cả ngày, từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Có một lần, ngồi ăn sáng tại căn-tin bệnh viện, một đồng nghiệp nữ trẻ, nhìn vóc dáng tôi và lắc đầu: Em không tin anh viết văn và báo hay như vậy, ngoài những kiến thức về y học mà bản chất đã nằm sẵn trong đầu của anh rồi còn lại viết về những vấn đề xã hội trong ngành y, chắc anh thuê ai viết rồi đứng tên mình chứ gì? Tôi giật mình, đã có nhiều người không hiểu mình, nhưng không hiểu đến mức này thì không thể tưởng tượng nổi”.
Nhà văn- bác sĩ Nguyễn Hoài Nam sinh ra trong một gia đình bình thường như bao gia đình người Việt Nam khác, cha ông, một bộ đội miền Nam tập kết, mẹ là người Hà Nội làm công nhân trong nhà máy dệt 8-3. Chiến tranh đã cướp đi người mẹ khi ông vừa 5 tuổi, mặc dù cha ông đã mẫu mực hết lòng thương yêu và kỳ vọng vào ông, nhưng ông đã phải vào đời quá sớm và luôn luôn cảm thấy mình bị thiếu thốn một cái gì đó, tâm hồn luôn nhạy cảm, một trái tim nóng bỏng trong một cái đầu quá nóng. Điều này giúp cho ông có nhiều thành công nhưng cũng nhiều cay đắng, tất cả hòa quyện thành một cảm xúc kỳ lạ luôn tồn tại trong trái tim và trí óc của ông… Mặc dù gia đình bên mẹ ông cũng có một người làm văn học nghệ thuật, một số nhà thơ nhà báo nổi tiếng như bác của ông, nhà thơ Hải Như với ca khúc bất tử: “Thành phố Hoa phượng đỏ”… nhưng hình như từ nhỏ, ông không có khiếu về văn học lắm thì phải, mặc dù rất thích đọc truyện. Mỗi lần đạt học sinh giỏi hay nhân dịp sinh nhật, cha ông dùng một phần trong đồng lương ít ỏi (phải nuôi hai anh em ăn học) để mua những quyển truyện mà ông yêu thích. Khi đó ông lại ngấu nghiến đọc cả ngày lẫn đêm có khi quên cả ăn.
“Cuộc đời tôi cũng có rất nhiều cái bất ngờ. Từ bé không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ là thầy thuốc, càng không bao giờ nghĩ mình sẽ là giảng viên Đại học hay viết văn và viết báo. Các thầy dạy tôi đều nói: Tôi sẽ là nhà ngoại giao, nhưng trái tim và cái đầu quá nóng thì làm ngoại giao thế nào được và cuộc sống cứ chảy như một dòng sông dù tôi có muốn hay không? Trong dòng sông ấy, dù có thác ghềnh hay những lúc êm đềm, tôi đều sống hết lòng vì nó, thương yêu nó, gặm nhấm từng chút thi vị ngọt ngào lẫn những đắng cay mà nó mang lại cho mình. Và trong khi sống hết lòng để trải nghiệm, những bài báo, những bài viết, thậm chí những truyện ngắn đã ra đời. Nó ra đời trong một đêm trực, trong khi làm phòng khám, trong những lúc bức xúc vì thế thái nhân tình, trong những đêm mất ngủ v.v…, chính vì vậy những bài viết này luôn mang hơi thở của cuộc sống, trong nó luôn luôn là tâm nguyện của một người đã, đang và sẽ sống hết lòng dù cho bao nhiêu đắng cay có tràn ngập cuộc đời mình hay những giây phút hiếm hoi của niềm vui…”- nhà văn, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam bộc bạch về cuộc đời mình.
Tác giả nói tiếp: “Dù cảm giác có thăng hoa đến tột đỉnh, tôi vẫn không bao giờ quên mình là một người thầy thuốc, một thầy giáo. Cho nên ngoài những bài viết về các vấn đề của xã hội, ngoài các trang truyện ngắn…, tôi vẫn say mê với việc phổ biến những kiến thức cơ bản về Y khoa đến cho mọi người nhằm giảm đi chút nào nỗi đau của trần thế. Nỗi đau của bệnh tật mà hầu như không ai, không thế hệ nào đã sinh ra làm kiếp con người có thể nói tôi có thể không bao giờ bị bệnh. Chính vì vậy, tôi và những cộng sự làm cuốn sách này luôn mong mỏi mang một chút kiến thức của mình, mang một chút “lửa”, một chút tình người để cùng với bạn đọc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn và nhân văn hơn”.
Trả lời báo chí
Trả lời phỏng vấn của nhà báo Lê Công Sơn, tác giả nói: “Tôi nghe lời khuyên của nhiều người nên không dám dấn thân vào các mảng xã hội mà chỉ khai thác ở lĩnh vực y khoa là sở trường của mình. Bằng những gì đã từng trải nghiệm từ thực tế, tôi muốn qua tác phẩm độc giả tiếp cận được thêm nhiều góc khuất khác nhau của người thầy thuốc. Dù bác sĩ giỏi đến mấy họ vẫn là con người, có đầy đủ các tố chất và trạng thái: cũng có lúc buồn, lúc vui, lúc đau khổ. Đứng trước làn ranh sinh tử, bờ vực của sự sống và cái chết thì không phải ai cũng hoàn hảo. Bác sĩ cũng là người trần mắt thịt, bệnh nhân phải đặt trọn niềm tin vào chuyên môn của bác sĩ để chúng tôi thực hiện tốt chức trách của mình là cứu người. Có nhiều lúc thầy thuốc phải chấp nhận phương án này thay cho phương án kia, mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu…”.
Truyện ngắn “Bác sĩ phẫu thuật”, viết về câu chuyện éo le của bác sĩ Minh như “rút ruột” từ cuộc đời tác giả. Vì muốn giúp vợ người bạn thân tên Tuấn, cũng là gia đình ân nghĩa của nhân vật lúc còn sinh viên nghèo nên bác sĩ Minh quyết định cắt hết một thùy tuyến giáp cho Thư- vợ Tuấn, thay vì phải cắt hết tuyết giáp, sau đó xạ trị tiếp, để Thư có cơ hội làm mẹ. Tuy nhiên, 7 năm sau, khi cục bướu giáp tái phát, gia đình bạn Tuấn lại đổ hết tội lỗi cho bác sĩ Minh. Từ người đáng lẽ được mang ơn suốt đời, bác sĩ Minh trở thành tội đồ.
Nhà văn- bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Cuộc đời của một bác sĩ phẫu thuật giỏi, không phải chỉ chữa bệnh mà đúng ra là chữa người bệnh. Khi quyết định điều gì ở bệnh nhân, chúng tôi phải “cân não” đủ thứ: từ thể trạng, hoàn cảnh xã hội, tâm lý, tình trạng bệnh tật, hoàn cảnh gia đình… để có cách giải quyết phù hợp, để không phải ân hận hay hối tiếc. Thông qua tác phẩm mới “Bác sĩ phẫu thuật”, tôi muốn độc giả thấu hiểu và chia sẻ với nghề bác sĩ, có cái nhìn độ lượng hơn với ngành y. Bác sĩ ai cũng mong muốn chữa khỏi bệnh hết cho bệnh nhân. Vì vậy, cả hai bên cần có sự hòa hợp để tạo thành sức mạnh tốt, giúp đội ngũ thầy thuốc thêm động lực gắn bó với nghề. Cuốn sách cũng là sự “truyền lửa” của tôi muốn dành cho đồng nghiệp, đặc biệt là với những ai luôn say mê với cuộc sống, có thái độ bao dung và khiêm tốn trong nghề”.
Trong lời mở đầu cuốn sách “Bác sĩ phẫu thuật”, nhà thơ– nhà văn Lê Thiếu Nhơn cho rằng, văn phong của Nguyễn Hoài Nam dung dị và mạch lạc. Ông không cao giọng rao giảng, cũng không ra vẻ cao siêu. Những vấn đề phức tạp của y tế và của xã hội, luôn được ông lý giải rõ ràng và đơn giản. Trước mỗi tình huống, ông mạnh dạn đưa ra ý kiến cá nhân bằng sự khiêm nhường và sự cầu thị. Vì vây, đọc tác phẩm của Nguyễn Hoài Nam, độc giả dễ dàng thu hoạch được nhiều thông tin thú vị và nhiều tâm trạng bâng khuâng. Đôi khi, người tiếp cận tinh tế còn không tránh khỏi ngạc nhiên khi dõi theo những bước chân vừa phiêu lãng vừa trầm tư của Nguyễn Hoài Nam trong những ghi chép mê đắm “Bên kia dốc núi”, hoặc “Nơi mùa đông đi qua”, hoặc “Cô đơn xuống phố”.
Ngoài hàng trăm bài báo khoa học và hàng trăm cuộc trả lời phỏng vấn, nhà văn kiêm bác sĩ Nguyễn Hoài Nam đọng lại văn chương ở hai mảng chính là truyện ngắn và ký sự. Ở mảng truyện ngắn, dù có nêm nếm chút gia vị hư cấu và cố tình mã hóa vài chi tiết để bớt đụng chạm riêng tư của người khác, thì hình ảnh tác giả Nguyễn Hoài Nam vẫn ẩn hiện tương đối thuyết phục trong lời thoại và những diễn ngôn. Tiêu biểu nhắc đến các truyện ngắn “Bác sĩ phẫu thuật”, “Về hưu”, “Cha, con và đàn bà”, “Đời rượu”…
Nhà văn- Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam sinh năm 1961 tại Hà Nội, hiện là PGS, TS, Giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch TP.HCM. Các tác phẩm đã xuất bản: Viết từ bệnh viện, Câu chuyện y khoa, Nửa đêm xuống phố (NXB Trẻ); Cập nhật điều trị bệnh Basedow, Cập nhật điều trị ngoại khoa lồng ngực và tim mạch, Phẫu thuật nội soi lồng ngực (NXB Y học); Những linh hồn sau cánh cửa (NXB Hội Nhà văn); Bởi yêu nhiều nên khỏe ấy mà, Chuyện tình cuối mùa đông (NXB Thanh Niên)…