Nhạc sỹ Lương Ngọc Trác và mối tình mùa hoa ban nở
Vào một ngày đầu xuân, chúng tôi tìm đến nhà cố nhạc sỹ Lương Ngọc Trác - người vinh dự được tổ chức những buổi văn nghệ để chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ ngay tại chiến trường.
Ít ai biết, người nhạc sỹ tài hoa này lại có một mối tình đầu nảy nở và đơm hoa ngay tại nơi “mưa bom bão đạn”. Trò chuyện cùng chúng tôi, thân nhân cố Nhạc sỹ Lương Ngọc Trác đã xúc động ôn lại những kỷ niệm đẹp về chuyện tình của người nhạc sỹ tài hoa...
Sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc, ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Lương Ngọc Trác đã được bố mẹ cho học ở các trường danh tiếng của Hà Nội. Vì quá yêu âm nhạc, nên Lương Ngọc Trác cứ nằng nặc đòi bố mẹ phải cho học đàn hát. Thấy con trai có năng khiếu âm nhạc nên gia đình đành phải chấp thuận và mời thày Lưu Quang Duyệt đến dạy piano cho Lương Ngọc Trác.
Năm 1944, Lương Ngọc Trác bắt đầu tham gia các hoạt động văn nghệ tài tử và từ thiện. Những năm đầu chính quyền cách mạng mới thành lập, chứng kiến những cảnh đau thương, mất mát của đồng bào, ông đã không cầm được nước mắt và tham gia làm tự vệ ở phố Nhà Thờ Lớn. Và từ những cuộc chiến đấu ngày ấy, ông bị thương nặng và đồng đội đã đưa ông về hậu phương để điều trị.
Từ sân khấu Bucharest đến mặt trận Điện Biên Phủ
Tháng 8/1953, nhạc sỹ Lương Ngọc Trác vinh dự được là một trong mười diễn viên đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên thế giới tại Bucharest. Khi về nước, cả mười thành viên nhận được lệnh đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng phục vụ quân và dân chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, ông từng nói: “Nhận được lệnh là chúng tôi lên đường ngay, chúng tôi được vào vòng trong, nơi cuộc kéo pháo lịch sử bắt đầu. Đường kéo pháo dốc cao, vực sâu, bom đạn địch luôn đánh phá nên việc biểu diễn hết sức vất vả và nguy hiểm. Chúng tôi quyết định thành lập một điểm biểu diễn ở trục đường chính để đón được nhiều khán giả. Mỗi khẩu pháo phải cần khoảng 150 người kéo, như vậy mỗi buổi diễn cho một đơn vị kéo pháo là vừa.
Sân khấu của chúng tôi nằm gọn dưới lòng khe cạn, đó là một mảnh đất rộng khoảng 20 mét vuông được san phẳng và đựng một phông vải, vừa để trang trí mỹ thuật, vừa là hậu trường nghệ thuật. Khán giả ngồi hai bên sườn đồi để xem biểu diễn. Chương trình của chúng tôi linh hoạt, dài hay ngắn tùy theo tình hình cụ thể.
Thường mở đầu là hợp ca “Thanh niên thế giới bảo vệ hòa bình” hoặc chị Bạch Trà hát màn chèo “Chào mừng”, có cả anh Giáp Văn Khương - Chiến sỹ thi đua toàn quân tham dự. Tiếp theo là nhạc sỹ Lưu Hữu Phước thay mặt Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam báo cáo kết quả Đại hội Liên hoan Thanh niên thế giới tại Bucharest.
Tại đây, các chiến sỹ được nghe kể và được xem một số hình ảnh về cuộc gặp mặt thân mật giữa Đoàn Thanh niên Việt Nam và Đoàn Thanh niên Pháp, trong đó có cả chị Raymong Điêng và anh Hăng ri Mác tanh, là những người Pháp đang ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta. Đặc biệt, tấm ảnh chụp cảnh một đám đông thanh niên thế giới đang ùa đến kiệu mấy đại biểu quân đội Việt Nam lên vai chạy trước khán đài trong lễ khai mạc đại hội là khán giả thích nhất.
Chúng tôi có diễn bài hát của một số nước bạn như “Đỉnh núi Lênin”, “Nhị Lang Sơn”... Các điệu múa của biên đạo Hoàng Châu như múa nón, múa Giải phóng Tây Bắc, múa Rumani, múa Tây Tạng,... rất được hoan nghênh. Chúng tôi còn có những bộ quần áo may theo mẫu của học sỹ Sỹ Ngọc hoặc quần áo múa của thanh niên các nước tặng đã tạo được những ấn tượng rực rỡ. Dàn nhạc của chúng tôi có một đàn accordeon, một đàn nhị, một sáo tre và bộ gõ đơn giản. Để thực hiện được chương trình, mỗi người trong đoàn phải kiêm nhiều việc, vừa đàn, vừa hát hoặc múa tùy khả năng.
Anh Giáp Văn Khương là đại biểu thanh niên nhưng vẫn tham gia chương trình, xong tiết mục phải ra gác tàu bay. Anh Nguyễn Thanh, chị Song Ninh, chị Phan Thanh đều tham gia cả ca lẫn múa. Bất ngờ nhất là bác Khắc Ninh, diễn viên cao tuổi nhất, kéo nhị lại kiêm múa. Bác Ninh còn đóng cả vai địa chủ ác ôn trong kịch múa nhỏ “Giải phóng Tây Bắc” rất sôi động. Tôi vừa đánh đàn accordeon vừa hát, có lúc phải kiêm cả người dẫn chương trình.
“Rạp hát” của chúng tôi làm việc không kể giờ giấc, một ngày diễn nhiều lần. Có những hôm, trời mùa đông, sương mù dày đặc, gió thổi lạnh thấu xương, nhiều chiến sỹ thiếu ngủ mắt thâm quầng, quần áo rách bươn, giày thủng, hai bàn tay xây xát rớm máu vẫn ngồi xem chúng tôi biểu diễn một cách hăng say.
Sàn diễn của chúng tôi được các chiến sỹ đặt tên là “Đồi Bucharest”. Chúng tôi phục vụ tại đây đến cuối đợt kéo pháo thì được lệnh rút ra vòng ngoài và tôi trở về Đoàn văn công 308”.
Mối tình mùa hoa ban nở
Tham gia phục vụ tại Chiến trường Điện Biên Phủ thời gian này còn có nhiều đoàn nghệ thuật. Trong đó có đoàn của cô diễn viên xinh đẹp Thùy Chi và 18 anh chị em văn công khác. Đoàn chỉ vẻn vẹn có ngần ấy người mà đã dàn dựng rất nhiều tiết mục như “Chị Chiên”, “Hòn đá”... Thùy Chi được giao đảm nhận vai Anh hùng Nguyễn Thị Chiên.
Sau mỗi đêm biểu diễn lại hành quân và mỗi bước hành quân là những bài ca để quên đi gian khổ. Dưới ánh trăng, nhạc sỹ Đỗ Nhuận vừa đi vừa sáng tác bài hát “Hành quân xa” và chỉ đi qua một vài chặng đường, bài hát đã hoàn thành. Những câu hát “Đời chúng ta ở đâu có giặc là ta cứ đi... Dù đôi chân qua những chặng đường có mỏi...” ra đời trong bom đạn ấy đã sống mãi trong lòng công chúng đến ngày nay.
Với những thành tích đã đạt được trong phục vụ chiến dịch, Thùy Chi đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng Ba. Trong đợt biểu diễn này, đoàn văn công của Thùy Chi đã giao lưu với Đoàn văn công 308 do nhạc sỹ Lương Ngọc Trác làm Trưởng đoàn. Thấy hai người “xứng đôi vừa lứa” nên các diễn viên trong đoàn gán ghép họ với nhau.
Chàng nhạc sỹ tài hoa và cô văn công xinh đẹp cảm mến nhau không biết từ lúc nào. Nhưng công việc bận rộn, vả lại cả hai người còn rất trẻ nên cũng chưa thật quan tâm tới việc xây dựng gia đình. Đây cũng chính là thời điểm trận đánh đang ở hồi ác liệt nhất nên cả hai đều quên tình cảm riêng để phục vụ chiến đấu. Mỗi người công tác một nơi nên cũng ít có điều kiện gặp nhau.
Vốn là một cô văn công tài hoa, xinh đẹp lại nết na nên Thùy Chi cũng được không ít người mối lái cho các anh bộ đội, nhưng không hiểu sao trái tim cô vẫn không hề rung động. Và cả người nhạc sỹ tài hoa Lương Ngọc Trác ngày ấy dù có nhiều người con gái quý mến nhưng cũng không “chấm” cô nào.
Kháng chiến chống Pháp kết thúc, Ngọc Trác vẫn là chàng lính độc thân. Lúc này, bạn bè mới cuống quýt đi tìm “một nửa” cho Ngọc Trác và Thùy Chi là lựa chọn số 1 của mọi người. Ấn tượng ngày nào về cô văn công lại sống dậy trong Ngọc Trác. Ngặt một nỗi, lúc này Thùy Chi đang biểu diễn tại Ninh Giang, Hải Dương, muốn gặp cô phải về tận nơi ấy.
Thế rồi, một mình một xe đạp, Ngọc Trác đi từ Hà Nội về Hải Dương để tìm gặp bằng được Thùy Chi. Món quà ngày ấy mà Ngọc Trác mang cho Thùy Chi và bạn bè chỉ là một chục bánh gai, nhưng tấm lòng, tình cảm dành cho Thùy Chi và đồng nghiệp của cô thì vô cùng lớn lao. Vốn có tình cảm sẵn trong lòng, lại xúc động trước sự nhiệt tình của Ngọc Trác, Thùy Chi ưng thuận. Đó cũng là lúc mà hai người nhận ra rằng đây mới chính là người mà họ chờ đợi bấy lâu nay và dường như họ sinh ra là để dành cho nhau. Sau này, mỗi lần nhắc đến chuyện tình của mình, ông đều đùa là ông đi hỏi vợ bằng... một chục bánh gai.
Tháng 9/1956, nhạc sỹ Lương Ngọc Trác và Thùy Chi nên vợ nên chồng. Trước ngày cưới, chú rể đi lĩnh tiền nhuận bút bài “Trăng Tây Bắc” để là đám cưới, nhưng khi nhờ bạn lên kế hoạch chi tiêu thì thấy thâm hụt nặng, đành phải vay tiền người thân và mượn trụ sở của Hội Nhạc sỹ để tổ chức.
Đám cưới chẳng có mâm cao cỗ đầy, chẳng phải chọn ngày tháng đẹp để thành hôn và cũng khong được đăng ký kết hôn vì đất nước còn trong chiến tranh. Hầu hết đám cưới của các đôi trai gái lúc đó chỉ có sự chứng kiến của thủ trưởng đơn vị, đoàn thể, sự góp mặt của bạn bè, người thân. Và hôn lễ của đôi “trai tài, gái sắc” này cũng vậy, nhưng cuộc sống của họ suốt những năm tháng qua luôn tràn đầy hạnh phúc. Khi cô con gái lớn được 2 tuổi, hai người mới đi đăng ký kết hôn.
Hòa bình lập lại, nhạc sỹ Lương Ngọc Trác và Thùy Chi sinh được hai cô con gái nữa. Niềm vui của ông bà được nhân lên gấp đôi khi nghe tin cô con gái út Thu Mai đạt danh hiệu Á hậu 1 trong cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong lần đầu tiên tổ chức năm 1988. Những tưởng cuộc sống của hai nghệ sỹ này luôn thuận buồm xuôi gió, nhưng tháng 8/2000, NSƯT Thùy Chi đột nhiên bị tai biến mạch máu não dẫn đến bị liệt toàn thân.
Từ đó, nhạc sỹ Lương Ngọc Trác trở thành một y tá kiêm luôn cả bảo mẫu chăm sóc người vợ đau yếu. Có lẽ đây là những tháng ngày gian khó nhất mà ông phải vượt qua trong cuộc đời của mình. Nhờ sự chăm sóc tận tình, chu đáo của ông, sức khỏe của NSƯT Thùy Chi đã dần hồi phục. Khi có ông dìu, bà đã đi lại được. Nhìn hai nghệ sỹ chăm sóc nhau trong căn phòng nhỏ, tôi hiểu rằng, tình yêu của họ đã chiến thắng tất cả.