Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 07/02/2025 13:25 (GMT+7)

Nhiệt độ toàn cầu tiếp tục lập kỷ lục trong tháng đầu tiên của năm 2025

Nhiệt độ toàn cầu tiếp tục lập kỷ lục trong tháng đầu tiên của năm 2025 đã làm dấy lên mối quan ngại về tình trạng ấm lên của Trái Đất ngay cả khi hiện tượng thời tiết La Nina đã xuất hiện.

Nhiệt độ toàn cầu tiếp tục lập kỷ lục trong tháng đầu tiên của năm 2025 ảnh 1
Cánh đồng cỏ dành cho chăn nuôi gia súc bị khô hạn do nắng nóng kéo dài tại bang New South Wales, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN.

Theo cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, tháng 1 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận, với nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn 1,75 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Điều này đánh dấu tháng thứ 19 liên tiếp ghi nhận nhiệt độ tăng cao, trong đó có 18 tháng vượt ngưỡng 1,5 độ C - một con số đáng lo ngại trong bối cảnh Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức này.

Mặc dù các chuyên gia từng kỳ vọng nhiệt độ sẽ giảm nhẹ khi El Nino suy yếu và La Nina bắt đầu có tác dụng làm mát, nhưng thực tế lại khác. Dữ liệu gần đây cho thấy nhiệt độ vẫn duy trì ở mức kỷ lục, đã làm dấy lên câu hỏi về những yếu tố khác đang tác động đến quá trình này.

Nhà khoa học khí hậu Julien Nicolas tại Copernicus nhận định rằng việc không ghi nhận hiệu ứng làm mát từ La Nina là một bất ngờ. Ông cho rằng nhiệt độ đại dương ấm bất thường có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến bầu khí quyển tiếp tục giữ nhiệt. Thực tế, nhiệt độ bề mặt biển trong tháng 1/2025 được ghi nhận ở mức cao thứ hai trong lịch sử, bất chấp sự xuất hiện của La Nina.

Không chỉ nhiệt độ không khí và đại dương tăng cao, diện tích băng biển Bắc Cực vào tháng 1 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục hàng tháng, phản ánh rõ tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu. Bên cạnh đó, một nghiên cứu từ Mỹ cho thấy lượng băng tại Greenland đang nứt ra với tốc độ nhanh hơn và khiến mực nước biển toàn cầu tăng thêm khoảng 14 mm kể từ năm 1992. Nếu toàn bộ tảng băng Greenland tan chảy, mực nước biển có thể dâng lên tới 7 mét, đe dọa nghiêm trọng các thành phố ven biển trên toàn thế giới.

Gia tăng nhiệt độ toàn cầu không chỉ do các yếu tố tự nhiên mà còn có tác động từ hoạt động của con người. Giới khoa học đồng thuận rằng nguyên nhân chính của xu hướng ấm lên dài hạn là việc đốt nhiên liệu hóa thạch, thải ra lượng lớn khí nhà kính như CO2 và methane vào bầu khí quyển.

Tuy nhiên, một số yếu tố khác cũng có thể đang góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này. Một giả thuyết cho rằng các biện pháp giảm phát thải lưu huỳnh trong nhiên liệu hàng hải từ năm 2020 có thể đã vô tình khiến Trái Đất hấp thụ nhiều nhiệt hơn, do trước đây khí thải lưu huỳnh từ tàu biển giúp tạo ra các đám mây phản xạ ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố vào tháng 12/2024 còn đặt ra giả thuyết rằng suy giảm các đám mây thấp có thể là nguyên nhân góp phần làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất - mặc dù vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vấn đề này.

Những tác động của nhiệt độ cao bất thường ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Trên khắp thế giới, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, mưa lớn, hạn hán và bão mạnh đang xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng cao.

Tại Australia, dữ liệu từ Copernicus cho thấy tháng 1/2025 ghi nhận lượng mưa cao hơn mức trung bình tại miền đông nước này, trong khi nhiều khu vực khác lại khô hạn hơn bình thường. Đặc biệt, bang Queensland đã chứng kiến các trận lũ nghiêm trọng, gây gián đoạn sinh hoạt và tổn thất kinh tế đáng kể.

Trong bối cảnh nhiệt độ đại dương tiếp tục là một trong những yếu tố quan trọng điều chỉnh khí hậu toàn cầu, Copernicus khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến này. Đại dương đóng vai trò như một bộ điều hòa tự nhiên, hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa do khí nhà kính gây ra nhưng khi nước biển nóng lên, khả năng hấp thụ nhiệt có thể giảm đi, khiến tình trạng ấm lên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng hơn.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng xu hướng nhiệt độ cao bất thường trong hai năm qua có thể là dấu hiệu cho thấy Trái Đất đang tiến gần hơn đến ngưỡng giới hạn của hệ thống khí hậu. Mặc dù năm 2025 không được dự đoán sẽ phá vỡ kỷ lục của năm 2023 và 2024 nhưng đây vẫn sẽ là một trong những năm nóng nhất lịch sử. Trước thực trạng này, giới khoa học kêu gọi các quốc gia tăng cường các biện pháp cắt giảm khí thải nhà kính và đầu tư mạnh mẽ hơn vào các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra. Copernicus khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến khí hậu toàn cầu để cung cấp dữ liệu cần thiết cho việc hoạch định chính sách, ứng phó với những thách thức ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Cùng chuyên mục

Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông: Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 12/2, vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 7 giờ, tâm áp thấp nhiệt đới khoảng 12 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc Trường Sa, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8.
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó đợt rét đậm, rét hại kéo dài
Để chủ động ứng phó với đợt rét đậm, rét hại kéo dài, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét an toàn, hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại.

Tin mới

Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông: Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 12/2, vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 7 giờ, tâm áp thấp nhiệt đới khoảng 12 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc Trường Sa, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8.
Đình chỉ lưu hành và thu hồi sản phẩm Gel tắm gội Permerin 1 của An Nhi
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành công văn số 405/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy sản phẩm Gel tắm gội Permerin 1 (Nhãn hàng: An Nhi) do Công ty TNHH Dược phẩm An Nhi và Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Quang Xanh sản xuất và phân phối. Sản phẩm này có chứa chất thuộc nhóm thuốc diệt côn trùng, không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của pháp luật.
Xử lý như nào đối với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu lễ hội?
Hiện nay là thời điểm diễn ra mùa lễ hội đầu xuân tại nhiều địa phương trên cả nước. Dịch vụ ăn uống trong các lễ hội thường mang tính chất thời vụ nên không được đầu tư đầy đủ, thường thiếu chuyên nghiệp và xuất hiện nhiều hộ kinh doanh cá thể, thiếu các yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm. Vậy, theo quy định của pháp luật, xử lý như nào đối với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu lễ hội?
Cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo đặt phòng khách sạn trong cao điểm du xuân
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đầu năm là khoảng thời gian cao điểm khi nhu cầu đi du xuân của người dân tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để các đối tượng lừa đảo du lịch, bán vé máy bay, vé tàu và phòng khách sạn giả mạo tiếp diễn những chiêu trò của mình.