Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 18/10/2021 09:05 (GMT+7)

Nhịp sống 'bình thường mới' của người Sài Gòn: Đứng lên sau dịch bệnh

'Bọn trẻ con đã không còn khóc ngằn ngặt khi bố mẹ chúng vào khu cách ly, những người già lững thững đi bộ sau khoảng thời gian dài chiến đầu với Covid-19, cuộc sống bình thường mới của chúng tôi đã bắt đầu như thế', chị Ngọc Xuân nói.

Chuyện trong con hẻm nhỏ

"Ông Minh, vợ chồng nhà H. đã test ra dương tính rồi, đang đợi đưa đi, thương tụi nó quá", một người hàng xóm hớt hải báo.

Con hẻm ông Văn Minh (sinh năm 1969) đang sinh sống chỉ dài vài trăm mét, nhưng có chục nóc nhà F0. Điểm khởi phát là một nhánh của con hẻm nhỏ, nơi 9 gia đình sinh sống đã bị nhiễm Covid-19. Họ là những tiểu thương, người bốc xếp... tại chợ Bình Điền.

Từng người, từng người mặt đồ bảo hộ y tế rồi chầm chậm bước lên xe, hương về khu cách ly, rào phong tỏa nhanh chóng được thiết lập, chắn ngang hẻm. "Tôi lên Sài Gòn mưu sinh từ những năm 90, chưa bao giờ trải qua cảm giác khó khăn, trăm bề mệt mỏi như giai đoạn ấy.

Trong nhóm 9 gia đình đi cách ly đầu tiên, có người bạn thân trước hay cùng tôi tập thể dục. Anh ta cao lớn, phốp pháp... nhưng lại bị Covid-19 làm cho gục ngã chỉ sau 4 ngày nhập viện. Đó là lần đầu tiên, tôi thấy dịch bệnh gần mình đến mức như vậy", ông kể thêm.

Nhịp sống 'bình thường mới' của người Sài Gòn: Đứng lên sau dịch bệnh

"Trong suốt giai đoạn đó, chúng tôi đã "nín thở" chờ đợi, để những ngày dịch bệnh căng thẳng, mất mát đau thương trôi qua", bà Hồ Thị Út (quê Cà Mau) chia sẻ.

Bà Út là tổ phó của tổ dân phố. Hằng ngày, bà nhận nhiệm vụ đẩy xe phát rau củ, gạo, thịt cá khi hẻm bị phong tỏa, khi thì gọi y tế phường giúp các bệnh nhân F0. Những ngày Sài Gòn căng thẳng nhất, tất cả các bệnh viện đều rơi vào tình trạng quá tải.

Những bình oxy liên tục được chuyển vào hẻm. Chị Bảo Châu (ngụ quận 8, TP.HCM) liên tục nắm tay mẹ, động viên. "Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con, mẹ phải về với con nha", chị vừa nói, vừa bóp tay cho bà.

Suốt 2 tháng, chị Châu và gia đình không ra ngoài nhưng chị vẫn dương tính với SARS-CoV-2. Đó là khoảnh khắc cả bầu trời sụp đổ, trái tim như muốn vỡ tung vì gia đình chị vẫn còn cha mẹ gia, mang nhiều bệnh nền. Ngày chuyển vào khu cách ly, đứa con gái của chị cứ khóc ngằn ngặt. Trong bộ đồ bảo hộ, bên dưới lớp khẩu trang, nước mắt chị cũng lã chã rơi.

Một bầu không khí nặng nề đến nghẹt thở bao trùm con hẻm. Những túi thuốc từ y tế phường được chuyển xuống, treo trước cổng rào của mỗi hộ gia đình. Tổ trưởng nhắn tin vào nhóm Zalo: "Cố lên nhé mọi người" khiến ai cũng rưng rưng xúc động.

Nhịp sống bình thường mới

Sáng, nắng vàng như rót mật, ông Minh ra đứng tỉa những nhánh cây bông giấy trước nhà. Chị Bảo Châu chạy xe ngang, vẫy tay chào ông Minh. Chị đã được trở về nhà sau 2 tuần cách ly, điều trị.

"Phép màu" đã xảy ra khi cả ba và mẹ chị đều vượt qua Covid-19. "Những ngày trong khu cách ly, tôi đã cầu nguyện rất nhiều. Các y bác sĩ nhiệt tình hỗ trợ, mang mẹ tôi từ cửa từ trở về.

Tôi cảm nhận được sự hồi phục kỳ diệu của bà từng ngày. Giờ mọi thứ đã qua đi, tôi chỉ mong có thể tiếp tục đi làm, chăm sóc cho gia đình của mình", chị Châu nói.

Nhịp sống 'bình thường mới' của người Sài Gòn: Đứng lên sau dịch bệnh

Đoạn hẻm nhỏ thuộc "vùng đỏ" của quận 8 giờ đã có nô nức tiếng nói cười. Chiếc điện thoại hư được đem đi sửa, nước mắt của bọn trẻ con đã được hong khô, mâm cơm gia đình lại đầm ấm, vài người đã dắt xe đi làm... Cuộc sống bình thường mới của họ đã được diễn ra như thế.

"Sau 4 tháng không gặp nhau, nhóm bạn trước kia hay cùng tôi uống cà phê mỗi sáng, 6 người chỉ còn lại 2 người. 4 người kia đã ra đi vì Covid-19. Dịch bệnh thật kinh khủng. Chúng tôi đã trải qua những mất mát, đau thương, phải gượng dậy để vượt qua.

Nhịp sống 'bình thường mới' của người Sài Gòn: Đứng lên sau dịch bệnh
Nhịp sống 'bình thường mới' của người Sài Gòn: Đứng lên sau dịch bệnh

Sau khi dịch bệnh đỡ căng thẳng, tôi đã sang nhà người hàng xóm để thắp nhang tiễn biệt họ. Chị ấy là người bán hủ tiếu mà gia đình tôi đã tới lui, mua ủng hộ gần chục năm nay. Những nén nhang là thay cho lời tiễn biệt sau cuối mà chúng tôi dành cho chị".

Gần 2 tuần sau khi "bình thường mới", bọn trẻ con trong hẻm vẫn học online, nhưng chúng nói cười nhiều hơn, ngôi nhà đầm ấm hơn khi bố mẹ đều đã trở về. Vài chiếc xe máy hư chết máy đã được đem đi sửa... Người lao động khoác đồng phục đến công ty, chuẩn bị đi làm.

Gượng dậy sau nỗi đau và dịch bệnh, cuộc sống lại có thêm nhiều niềm hy vọng mới.

*Ảnh trong bài chỉ mang tính chất minh họa.

Cùng chuyên mục

Đề nghị truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho quân nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 3
Ngày 8/9, Ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) có Tờ trình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Đại úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3, Bộ Quốc phòng.

Tin mới

Cảnh giác với hình thức lừa đảo bằng mã QR thông qua các nền tảng kỹ thuật số
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi bắt gặp các tin nhắn, Email hoặc các bài đăng chứa đựng mã QR. Đồng thời, cẩn trọng xác minh thông tin của cá nhân, đơn vị hoặc tổ chức cung cấp mã QR thông qua số điện thoại hoặc các trang thông tin uy tín.