Những chính sách mới đáng chú ý chính thức có hiệu lực từ 25/12/2023
Hôm nay (25/12/2023), hàng loạt chính sách mới đáng chú ý sẽ chính thức có hiệu lực như: Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết 105/2023/QH15 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Nghị định 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022;...
Ảnh minh họa.
Tăng lương hưu, trợ cấp người có công từ 01/7/2024
Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2023. Theo đó, về thực hiện chính sách tiền lương, Nghị quyết nêu rõ từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù:
- Từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
- Từ ngày 01/7/2024: Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021.
Phân bổ ngân sách trung ương năm 2024
Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 3 Điều 9 Nội quy kỳ họp Quốc hội, ngày 30/11, Tổng Thư ký Quốc Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Nghị quyết 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2023.
Theo đó, quyết nghị phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương theo các phụ lục số I, II, III và IV kèm theo Nghị quyết 105/2023/QH15.
Phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 kinh phí thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phụ lục số V kèm theo Nghị quyết 105/2023/QH15.
Số bổ sung cân đối ngân sách, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo Phụ lục số VI, Phụ lục số VII kèm theo Nghị quyết 105/2023/QH15.
Mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo Phụ lục số VIII kèm theo Nghị quyết 105/2023/QH15.
Nghị quyết cũng nêu rõ, tổng số thu ngân sách trung ương là 852.682 tỉ đồng (tám trăm năm mươi hai nghìn, sáu trăm tám mươi hai tỉ đồng).
Tổng số thu ngân sách địa phương là 848.305 tỉ đồng (tám trăm bốn mươi tám nghìn, ba trăm lẻ năm tỉ đồng). Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỉ đồng (mười chín nghìn, không trăm bốn mươi tỉ đồng) để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.225.582 tỉ đồng (một triệu, hai trăm hai mươi lăm nghìn, năm trăm tám mươi hai tỉ đồng), trong đó dự toán 426.266 tỉ đồng (bốn trăm hai mươi sáu nghìn, hai trăm sáu mươi sáu tỷ đồng) để bổ sung cân đối ngân sách (đã bao gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2023), bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (đã bao gồm khoản bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023).
Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình
Nghị định 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.Trong đó, nêu rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
Cụ thể, Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tổng đài) sử dụng số điện thoại ngắn có 3 chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.
Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua Tổng đài được đề xuất như sau: Người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình thì gọi đến số điện thoại của Tổng đài để báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại của Tổng đài thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận, đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình.
Ngay sau khi kết thúc việc tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, người tiếp nhận phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình để giải quyết theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận thông báo, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình theo quy định. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì việc xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em.
Quy định thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động khai thác dầu khí trên biển
Bộ Công thương quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.
Theo đó, Thông tư 20/2023/TT-BCT quy định, người lao động làm việc thường xuyên tại các công trình dầu khí trên biển theo phiên và theo ca làm việc như sau: Ca làm việc không quá 12 giờ trong 01 ngày; phiên làm việc tối đa là 28 ngày.
Người lao động làm việc không thường xuyên tại các công trình dầu khí trên biển theo phiên và theo ca làm việc: Ca làm việc không quá 12 giờ trong 01 ngày; phiên làm việc tối đa là 45 ngày.
Người sử dụng lao động thỏa thuận bằng văn bản hoặc thống nhất với người lao động về ca làm việc và phiên làm việc trước khi cử người lao động làm việc không thường xuyên trên công trình dầu khí trên biển.
Trong thời gian không làm việc trên công trình dầu khí trên biển, người lao động làm việc không thường xuyên được bố trí nghỉ bù theo quy định hoặc thực hiện công việc trên đất liền theo quy định pháp luật về lao động.
Tổng số giờ làm việc bình thường trong năm của người lao động làm việc không thường xuyên không được vượt quá thời giờ làm việc tiêu chuẩn trong 01 năm quy định.
Cũng theo Thông tư 20/2023/TT-BCT quy định, thời gian làm việc ngoài ca làm việc hoặc ngoài phiên làm việc đối với người lao động làm việc thường xuyên được tính là thời gian làm thêm giờ. Thời gian làm việc ngoài ca làm việc hoặc ngoài phiên làm việc hoặc thời gian làm việc vượt quá số giờ làm việc tiêu chuẩn trong năm đối với người lao động làm việc không thường xuyên được tính là thời gian làm thêm giờ.
Tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm của người lao động không quá 14 giờ/ngày; số giờ làm thêm của người lao động không vượt quá 300 giờ/năm.
Việc tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động và tuân thủ quy định tại Điều 59 và Điều 62, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Việc tổ chức làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động.
Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm sắp xếp cho người lao động nghỉ bù tương ứng thời gian làm thêm vào thời gian nghỉ giữa phiên làm việc.
Trường hợp không thể sắp xếp cho người lao động nghỉ bù thì người sử dụng lao động phải trả lương và các chế độ làm thêm giờ cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Bãi bỏ toàn bộ 04 Thông tư về quản lý tài chính trong lĩnh vực ngoại giao
Thông tư số 68/2023/TT-BTC ngày 08/11/2023 của Bộ Tài chính bãi bỏ 04 Thông tư liên quan đến việc quản lý tài chính trong lĩnh vực ngoại giaocó hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2023.
Theo Thông tư số 68/2023/TT-BTC, bãi bỏ toàn bộ 04 Thông tư:
- Thông tư số 42/2011/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế.
- Thông tư số 73/2011/TT-BTC ngày 30 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
- Thông tư số 31/2015/TT-BTC ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ cho tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
- Thông tư số 37/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà, đất phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước theo hình thức hỗ tương và theo hình thức giao sử dụng nhà, đất không phải trả tiền.
Chi phí tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình sử dụng NSNN
Quyết định 27/2023/QĐ-TTg quy định về tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.
Theo đó, quy định về chi phí tổ chức buổi lễ như sau:
- Chi phí tổ chức buổi lễ được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.
- Trên cơ sở cho phép tổ chức buổi lễ của người có thẩm quyền, chủ đầu tư lập, phê duyệt dự toán chi phí cho từng buổi lễ.
Dự toán chi phí cho tổ chức buổi lễ được lập phù hợp với nội dung và quy mô của công trình, theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành của Nhà nước. Chủ đầu tư không được yêu cầu nhà thầu thanh toán chi phí cho tổ chức các buổi lễ.