Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 01/01/2024 10:10 (GMT+7)

Những đại án đã được đưa xét xử trong năm 2023

Năm 2023, nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử.

Những đại án đã được đưa xét xử trong năm 2023

Ảnh minh họa.

Đại án Việt Á

Từ 27 đến 29/12, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã đưa ra xét xử 4 cựu sĩ quan Học viện Quân y và 3 người khác trong đại án Việt Á, phần do quân đội giải quyết. Tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ) thừa nhận đã đề xuất để Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) quen biết với Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y).

Sau đó, Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu, sản xuất kit test Covid-19.

Trong vụ án này, bị cáo Phan Quốc Việt bị Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Quân sự Thủ đô tuyên phạt 15 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp hình phạt là 25 năm tù.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Thanh Hùng 15 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cùng tội danh trên, bị cáo Hồ Anh Sơn bị HĐXX tuyên phạt 12 năm tù. 4 bị cáo còn lại lĩnh án 4-7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

HĐXX đánh giá tính chất vụ án là đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức, làm mất uy tín, lòng tin của nhân dân đối với quân đội. Bên cạnh đó, hành vi của các bị cáo còn xâm phạm đến tính đúng đắn, cạnh tranh công bằng trong đấu thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, tòa cho rằng cần xử lý nghiêm các bị cáo theo quy định pháp luật.

Đối với vai trò của từng bị cáo, HĐXX nhận định Trịnh Thanh Hùng vì vụ lợi cá nhân mà đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông đồng với Phan Quốc Việt rồi yêu cầu Hồ Anh Sơn đưa Việt Á vào tham gia đề tài nghiên cứu, sản xuất kit test, sau đó nghiệm thu đề tài trái pháp luật. Trong khi đó, bị cáo Phan Quốc Việt đã thông đồng với Hùng và Sơn dùng kit của Việt Á cung cấp đưa đi thử nghiệm, nghiệm thu đề tài trái pháp luật.

Đại án chuyến bay giải cứu

Phiên xét xử sơ thẩm đại án "chuyến bay giải cứu" diễn ra từ 11/7 đến 28/7, tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội có nhiều bị cáo là cựu cán bộ lãnh án; trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; hai cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; một cựu Cục trưởng; hai cựu Phó Cục trưởng...

Tại phiên xét xử sơ thẩm, trong số 54 bị cáo, có đến 4 người bị tuyên án tù chung thân là Phạm Trung Kiên (giúp việc cho một lãnh đạo của Bộ Y tế); Vũ Anh Tuấn (cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an); Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao); Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an). Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 15 tháng tù treo đến 18 năm tù giam. Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, 21 bị cáo có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Một số bị cáo cũng nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Đặc biệt riêng bị cáo Hoàng Văn Hưng một mực kêu oan. Tuy nhiên trước phiên xét xử phúc thẩm, Hoàng Văn Hưng bất ngờ nhận tội và nộp khắc phục số tiền 18,8 tỉ đồng.

Tại phiên xét xử phúc thẩm diễn ra vào cuối tháng 12, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã giảm nhẹ hình phạt cho 17 bị cáo trong tổng số 21 bị cáo kháng cáo.

Bản án đại án chuyến bay giải cứu xác định, thời điểm dịch Covid-19 đưa công dân về nước diễn ra căng thẳng, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỉ đồng.

Đại án xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển

Từ ngày 27/6 đến 29/6, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) hầu tòa cùng các thuộc cấp là Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng); Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy); Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị)...

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn bị tuyên phạt 16 năm tù về tội "Tham ô tài sản". Ông Sơn được xác định chỉ đạo cấp dưới "rút ruột" 50 tỉ đồng từ nguồn ngân sách mua sắm vật tư, thiết bị.

Sau khi vụ việc bị phanh phui, các bị cáo đã hoàn tất bồi thường thiệt hại cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (50 tỉ đồng), nhưng vẫn phải chịu những bản án nghiêm khắc. Mức án cho các bị cáo khác từ 10 năm tù đến 16 năm tù giam.

HĐXX đánh giá, hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm quyền sở hữu, hoạt động đúng đắn của các đơn vị trong quân đội, trong việc quản lý tài sản nói chung và quản lý tài chính nói riêng; làm ảnh hưởng xấu đến truyền thống tốt đẹp của quân đội, vì vậy cần xử lý nghiêm. Song HĐXX cũng ghi nhận các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tự nguyện nộp lại số tiền đã tham ô.

Đại án xảy ra tại Công ty AIC và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Cuối tháng 12/2022 đến đầu tháng 1/2023, Tòa án nhân TP. Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Theo bản án sơ thẩm, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa hối lộ cho các quan chức tỉnh Đồng Nai như Trần Đình Thành (14,5 tỉ đồng), Đinh Quốc Thái (14,5 tỉ đồng), Phan Huy Anh Vũ (14,8 tỉ đồng)... để tạo điều kiện, tác động cho AIC trúng các gói thầu tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau khi trúng 16 gói thầu trái quy định của pháp luật, AIC nâng khống giá các gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỉ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái lần lượt nhận các mức án 11 năm tù và 9 năm tù cùng về tội "Nhận hối lộ".

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xử phạt 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 14 năm tù về tội "Đưa hối lộ", tổng cộng là 30 năm tù. Tuy nhiên, đến nay bà Nhàn vẫn đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế. Sau bản án sơ thẩm, một số bị cáo trong vụ đã có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên xét xử phúc thẩm diễn ra vào tháng 5, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ được xem xét, giảm nhẹ 3 năm tù. Ông Vũ còn phải chấp hành án tổng cộng 16 năm tù về hai tội danh "Nhận hối lộ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Vũ bị tuyên phạt 19 năm tù.

Đại án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2

Tháng 10, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử 22 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây thiệt hại 460 tỉ đồng tại giai đoạn 2 (dài 74km) dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong vụ án này, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Trần Văn Tám lĩnh 5 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VEC, Mai Anh Tuấn bị phạt 42 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 6 năm tù giam.

Tại phiên tòa, HĐXX đánh giá, hành vi của các bị cáo trong vụ án là nguyên nhân trực tiếp khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngay sau khi đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Với vai trò là Tổng giám đốc Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các bị cáo Trần Văn Tám và Mai Tuấn Anh đã buông lỏng công tác quản lý, không chỉ đạo kịp thời khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện dự án về nguồn vật liệu, gây thiệt hại tài sản Nhà nước đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi phạm tội của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến sự quản lý kinh tế được pháp luật bảo vệ. Các bị cáo có đủ năng lực nhưng không tuân thủ quy định về đầu tư xây dựng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, việc đưa các bị cáo ra xét xử và áp dụng hình phạt tương xứng là cần thiết, các bị cáo trong vụ án đều phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi sai phạm cũng như thiệt hại tương ứng với vị trí, vai trò, trách nhiệm trong từng giai đoạn và hạng mục cụ thể.

Vụ án nâng khống giá cây xanh

Ngày 25/8, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng nhiều bị cáo khác trong vụ án nâng khống giá cây xanh. HĐXX xác định, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo trái pháp luật đặt hàng cây, cho trồng cây trước, quyết toán sau, giá cây bị nâng khống. Hành vi của ông Chung đã gây ra tổng thiệt hại hơn 34 tỉ đồng cho Nhà nước.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị tuyên mức án 18 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; tổng hợp với các bản án trước đó là 13 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại nhận từ 24 tháng tù treo đến 8 năm tù giam.

HĐXX đánh giá, hành vi phạm tội của ông Nguyễn Đức Chung và các bị cáo khác đã xâm phạm vào hoạt động đúng đắn của Nhà nước, xâm phạm các quy định của Nhà nước về kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận, giảm lòng tin của người dân vào cơ quan quản lý Nhà nước... cần phải tuyên phạt các mức án tương xứng.

Riêng cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tạo điều kiện để các công ty nâng khống giá cây xanh gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 34 tỉ đồng. Tại tòa, ông Chung không nhận tội, song tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cựu Chủ tịch Hà Nội khi nhận trách nhiệm là người đứng đầu, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, đang thi hành án của 3 bản án khác...

Cùng chuyên mục

Cẩn trọng với ứng dụng VNeID giả mạo
Thời gian qua, tại tỉnh Bình Dương và nhiều địa phương xuất hiện các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách giả danh cán bộ của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an tỉnh và các đơn vị Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo.

Tin mới

Uống hoa đu đủ đực có chữa được bệnh ung thư như ‘truyền miệng’?
Dù chưa có một bằng chứng khoa học nào về việc hoa đu đủ đực có thể chữa khỏi ung thư, thế nhưng trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin hoa đu đủ đực ngâm mật ong có thể chữa được rất nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Theo đó, các bác sĩ cảnh báo, uống hoa đu đủ với hi vọng chữa ung thư khiến người bệnh dễ mất cơ hội điều trị ở giai đoạn sớm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chứng chỉ ngoại ngữ bảo đảm chất lượng vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng
Liên quan đến kết quả thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc IDP cấp trái phép hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam, chiều ngày 09/5, Bộ này khẳng định: Các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.