Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 22/02/2025 09:34 (GMT+7)

Những điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi; tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50%; chứng chỉ ngoại ngữ không được quy đổi thành điểm 10; bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh... là những điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT. Bên cạnh kế thừa những nội dung đã được triển khai thuận lợi, ổn định các năm qua, nhất là năm 2023 và 2024, Quy chế có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi

Tổ chức Kỳ thi thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. So với những năm trước, giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng Kỳ thi.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50%

Sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số. Việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình GDPT 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết).

Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây. Thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học trung học phổ thông.

Chứng chỉ ngoại ngữ không được quy đổi thành điểm 10

Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này. Cách thức này tiếp tục khuyến khích việc học ngoại ngữ nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp. Ví dụ, trước đây, học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng quy đổi thành điểm 10 như học sinh đạt điểm IETLS 8.5.

Bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh

Về điểm khuyến khích, bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên. Nội dung này nhằm phù hợp với Chương trình GDPT 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.

Thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn

Cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nội dung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho người nước ngoài học chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm được học vấn cơ bản của môn Ngữ văn thông qua việc học môn Ngữ văn trên lớp và việc thi để lấy chứng chỉ tiếng Việt.

Chuyển đề thi qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ

Lần đầu tiên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm Hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức Kỳ thi. Phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng; đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.

Cùng chuyên mục

Giáo viên dạy thêm trái quy định sẽ bị xử phạt thế nào?
Quy định mới tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý việc dạy thêm, học thêm đặt ra nhiều quy định chặt chẽ đối với hoạt động này. Vậy nếu vi phạm các quy định về dạy thêm, giáo viên có thể phải đối mặt với những hình thức xử lý nào?
TP.HCM: Đảm bảo quyền lợi của học sinh khi Trường quốc tế Sài Gòn Pearl dừng hoạt động
Các cơ sở giáo dục công lập và các nhà đầu tư, các trường có vốn đầu tư nước ngoài tiếp nhận học sinh chuyển từ Trường Mầm non quốc tế Sài Gòn Pearl và Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Sài Gòn Pearl đến theo nhu cầu, tạo điều kiện để học sinh nhanh chóng hòa nhập và ổn định học tập.
Thành phố Hồ Chí Minh miễn học phí từ năm học 2025 - 2026
Tại kỳ họp thứ 21 diễn ra chiều 20/2, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi, học sinh trung học phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trung học phổ thông trên địa bàn từ năm học 2025 - 2026.
Những lưu ý với học sinh khi đăng ký học thêm
Theo quy định mới Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh tham gia học thêm trong nhà trường cần lưu ý đảm bảo thuộc đối tượng đăng ký học thêm. Học sinh tham gia học thêm ngoài trường học không đăng ký học lớp do giáo viên tại trường giảng dạy đối với môn học muốn đăng ký. Học sinh tiểu học chỉ học các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Tin mới