Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 21/04/2025 15:18 (GMT+7)

Nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí năm 2025

Theo đề án tuyển sinh 2025 của nhiều trường đại học mới công bố, mức học phí được công khai và dự kiến tăng so với năm ngoái.

tm-img-alt
Thí sinh tìm hiều về các chương trình đào tạo và công tác tuyển sinh đại học. (Ảnh minh hoạ).

Học phí trường Đại học Hà Nội năm học tới khoảng 0,78-1,7 triệu đồng một tín chỉ, tăng 7,5-8,3% so với năm ngoái. Học phí được chia theo hai hệ: Tiêu chuẩn và tiên tiến.

Mức thu cao nhất của Trường Đại học Hà Nội là 1,7 triệu đồng một tín chỉ, áp dụng với ngành Công nghệ thông tin dạy bằng tiếng Anh. Còn nhiều ngành thu học phí mức phổ biến là 780.000 đồng. Như vậy, so với năm ngoái, học phí với tân sinh viên năm 2025 tăng khoảng 7,5-8,3%. Sinh viên cần hoàn thành khoảng 145-152 tín chỉ để được công nhận tốt nghiệp.

Học phí Đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2025-2026 dao động từ 18-25 triệu đồng. Mức học phí này tăng 2-3 triệu đồng so với năm ngoái. Năm học 2024-2025, học phí chương trình chuẩn theo từng ngành/chương trình học của trường dao động từ 16-22 triệu đồng/năm học.

Theo đề án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Thương mại, học phí năm học 2025-2026 của trường dao động từ 2,4-2,79 triệu đồng/tháng, tương đương 24-27,9 triệu đồng/năm học (10 tháng) cho các chương trình đào tạo chuẩn; 3,85 triệu đồng/tháng, tương đương 38,5 triệu đồng/năm học (10 tháng) cho các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP).

So với năm học 2024-2025, học phí chương trình chuẩn tăng từ 24-26 triệu đồng/năm học lên 24-27,9 triệu đồng/năm học. Chương trình IPOP, tiên tiến tăng từ 26-35 triệu đồng/năm học lên 38,5 triệu đồng/năm học.

Học viện Ngân hàng dự kiến áp dụng học phí với sinh viên nhập học năm học 2025-2026 từ 26,5-28 triệu đồng/năm học với chương trình chuẩn, còn với chương trình liên kết quốc tế, học phí từ 40-50 triệu đồng/năm học, theo thông tin từ đề án tuyển sinh đại học chính quy 2025.

Cả hai nhóm chương trình đào tạo này đều có sự biến động về học phí so với năm học trước. Cụ thể, chương trình chuẩn tăng từ 25–26,5 triệu đồng lên 26,5–28 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, năm học 2024-2025, các chương trình liên kết quốc tế của trường có mức học phí dao động từ 37–60 triệu đồng.

Một số trường đại học phía Nam cũng thông báo tăng học phí trong năm học 2025-2026. Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có mức học phí thấp nhất 30 triệu đồng/năm, áp dụng cho các chương trình đào tạo hệ tiêu chuẩn, hệ tài năng và kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp.

Chương trình chuyển tiếp quốc tế (Nhật Bản), học phí 2,5 năm đầu 60 triệu đồng/năm học; 2 năm cuối chuyển tiếp sang đại học đối tác Nhật, học phí khoảng 91 triệu đồng/năm...

Chương trình chuyển tiếp quốc tế (Australia, Mỹ, New Zealand), đào tạo 15 ngành, chuyên ngành, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, học phí 2-2,5 năm đầu khoảng 80 triệu đồng/năm; 2-2,5 năm cuối chuyển tiếp sang đại học đối tác, học phí khoảng 560-900 triệu đồng/năm.

Các mức phí này so với năm 2024, mức học phí của chương trình chuyển tiếp quốc tế tăng từ 28-101 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh dự kiến học phí toàn khóa cho các ngành cử nhân sẽ tăng lên 110-116 triệu đồng (từ 105-112 triệu đồng) và các ngành kỹ sư cũng có mức tăng tương ứng.

Học phí của Trường Đại học Sài Gòn có một số ngành tăng gấp 1,5 lần so với các khóa trước. Các ngành hệ 4 năm có mức thu từ 92-129 triệu đồng/khóa, trong khi hệ 4,5 năm dao động từ 150-167 triệu đồng/khóa. Đại diện Nhà trường cho biết, mức học phí mới chỉ áp dụng cho khóa tuyển sinh 2025 và phụ thuộc vào đề án tự chủ tài chính, hiện đang chờ phê duyệt từ UBND TP Hồ Chí Minh. Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến tăng từ 1,5-2 triệu đồng/năm tùy theo ngành học.

Theo lãnh đạo nhiều trường đại học, việc tăng học phí này là theo lộ trình thực hiện Nghị định 81/CP và Nghị định 97/CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí. Bên cạnh đó, việc tăng học phí còn được xem là giải pháp để các trường có thêm nguồn lực đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đổi mới chương trình đào tạo, đặc biệt trong bối cảnh nhiều trường đang tiến tới tự chủ tài chính.

Cùng chuyên mục

Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy chế tuyển sinh đại học 2025: Thí sinh chú ý!
Bộ GD&ĐT đã công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, với nhiều điều chỉnh quan trọng, bao gồm bỏ hình thức xét tuyển sớm, công khai quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển và điều chỉnh về chứng chỉ ngoại ngữ, nhằm tăng cường tính minh bạch và công bằng trong quy trình tuyển sinh.
Lịch nghỉ hè năm 2025 của các địa phương trên cả nước
Năm học 2024-2025 dự kiến kết thúc trước ngày 31/5, học sinh trên cả nước sẽ bắt đầu kỳ nghỉ hè từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, thời gian nghỉ cụ thể có thể khác nhau giữa các địa phương tùy vào kế hoạch riêng của từng tỉnh, thành.

Tin mới

Bộ Y tế yêu cầu rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu bán sữa cho người bệnh
Bộ Y tế yêu cầu rà soát, kiểm tra, đối chiếu danh mục thuốc và các thuốc được sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với các thuốc giả đã được cơ quan chức năng điều tra, phát hiện, xử lý thời gian gần đây, có biện pháp xử lý theo quy định (nếu có vi phạm). Đồng thời, kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa (đặc biệt các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra, phát hiện), thực phẩm chức năng… cho người bệnh, người nhà.
Một số thay đổi lớn trên VNeID mà người dân cần lưu ý
(LSVN) - Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã đưa ra các chỉ đạo quan trọng về việc cắt giảm thủ tục hành chính và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID. Theo đó, sẽ có một số thay đổi lớn trên VNeID trong thời gian tới mà người dân cần lưu ý.