Những hành vi xâm phạm bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng
Theo quy định pháp luật hiện hành, các hành vi nào là hành vi xâm phạm bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng?
Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo khoản 1, Điều 17, Luật An ninh mạng 2018 thì hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng bao gồm:
- Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng;
- Cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư;
- Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;
- Cố ý nghe, ghi âm, ghi hình trái phép các cuộc đàm thoại;
- Hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư.
Ngoài ra, cũng theo khoản 2, Điều 17, Luật An ninh mạng 2018 thì chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm:
- Kiểm tra an ninh mạng nhằm phát hiện, loại bỏ mã độc, phần cứng độc hại, khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động xâm nhập bất hợp pháp hoặc nguy cơ khác đe dọa an ninh mạng;
- Triển khai biện pháp quản lý, kỹ thuật để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi gián điệp mạng, xâm phạm bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên hệ thống thông tin và kịp thời gỡ bỏ thông tin liên quan đến hành vi này;
- Phối hợp, thực hiện yêu cầu của lực lượng chuyên trách an ninh mạng về phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên hệ thống thông tin.
Cơ quan soạn thảo, lưu trữ thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước được soạn thảo, lưu giữ trên máy tính, thiết bị khác hoặc trao đổi trên không gian mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Bên cạnh đó, khoản 3, Điều 17, Luật An ninh mạng 2018 cũng nêu rõ, Bộ Công an có trách nhiệm:
- Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia nhằm phát hiện, loại bỏ mã độc, phần cứng độc hại, khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động xâm nhập bất hợp pháp;
- Kiểm tra an ninh mạng đối với thiết bị, sản phẩm, dịch vụ thông tin liên lạc, thiết bị kỹ thuật số, thiết bị điện tử trước khi đưa vào sử dụng trong hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
- Giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia nhằm phát hiện, xử lý hoạt động thu thập trái phép thông tin thuộc bí mật Nhà nước;
- Phát hiện, xử lý các hành vi đăng tải, lưu trữ, trao đổi trái phép thông tin, tài liệu có nội dung thuộc bí mật Nhà nước trên không gian mạng;
- Tham gia nghiên cứu, sản xuất sản phẩm lưu trữ, truyền đưa thông tin, tài liệu có nội dung thuộc bí mật Nhà nước; sản phẩm mã hóa thông tin trên không gian mạng theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
- Thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng của cơ quan Nhà nước và bảo vệ an ninh mạng của chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức về bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng, phòng, chống tấn công mạng, bảo vệ an ninh mạng đối với lực lượng bảo vệ an ninh mạng quy định tại khoản 2, Điều 30 của Luật này.
Điều 30. Lực lượng bảo vệ an ninh mạng
1. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
2. Lực lượng bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ an ninh mạng.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định tại các quy định trên đối với hệ thống thông tin quân sự.
Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật trong việc sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin thuộc bí mật Nhà nước được lưu trữ, trao đổi trên không gian mạng.