Những người 'làm dâu trăm họ' trong đại dịch ở Đà Nẵng
Hôm qua (21/8), Đà Nẵng tiếp tục áp dụng thêm 3 ngày giãn cách “ai ở đâu ở yên đó” để chống dịch.
”Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” phát lương thực cho dân
Ngày “đóng cửa” thành phố để dập dịch, bà Vũ Thị Lương (70 tuổi, tổ trưởng) và anh Nguyễn Hữu Hòa (tổ phó) TDP số 127, P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) khá bận rộn. Tuổi cao, bản thân có bệnh nền nhưng bà Lương vẫn miệt mài đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để nắm bắt thông tin 205 hộ dân.
Bà Lương bảo, từ ngày dịch bùng phát, bà luôn đầu tắt mặt tối với hàng trăm việc không tên. Nào là phát phiếu đi chợ, cấp giấy đi đường, lên danh sách xét nghiệm; khi áp dụng giãn cách thì thêm cấp phát lương thực, mua hàng hóa cho dân, kiểm tra nhắc nhở dân không ra khỏi nhà…
Đặc điểm địa bàn TDP 127 là khu đô thị mới, nhà dân còn thưa, có nhiều tuyến đường nên bà Lương nảy ra sáng kiến khuyến khích người dân tham gia nhóm Zalo để kịp thời nắm thông tin. “Mạnh dùng sức, yếu dùng chước”, để giải quyết tất cả nhu cầu người dân, bà lập ra Tổ hậu cần với 9 thành viên. Từng thành viên trong tổ có trách nhiệm thu thập thông tin trên cung đường do mình đảm trách, từ chuyện cung ứng lương thực, thuốc men, ốm đau… để phản ánh nhanh đến TDP.
Từ đây, bà Lương cùng anh Hòa tổng hợp, chuyển tải đến Tổ Covid cộng đồng của KDC Phước Lý để giải quyết kịp thời. Tất cả rau, củ, quả cùng lương thực của thành phố hỗ trợ chuyển về KDC Phước Lý được anh Hòa kịp thời cùng Tổ hậu cần phân phát nhanh đến từng hộ dân. Và tất cả những đơn hàng đặt mua nhu yếu phẩm của bà con trong tổ được giải quyết nhanh, chu đáo trong vòng 24 giờ. Công việc tuy vất vã nhưng bà Lương cùng anh Hòa luôn hoàn thành tốt phần việc của mình.
Tại tổ 16 (P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), những ngày giãn cách, 115 hộ dân cảm phục tinh thần làm việc nhiệt huyết của Tổ trưởng Nguyễn Văn Hoàng và "cấp phó" Mai Thị Luân. Hầu hết những nhu cầu chính đáng của bà con trong tổ nêu ra đều được anh Hoàng cùng chị Luân đáp ứng.
Anh Phan Xuân Phúc, công dân tổ 16 (P.Hòa Thọ Đông) nhận xét: “Anh Hoàng làm việc bất kể ngày đêm, hễ cứ nghe người dân cần gì là kịp thời đến hỗ trợ. Không chỉ bỏ công sức, anh còn dùng cả ô tô cá nhân của gia đình tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm đến phân phát cho bà con trong tổ. Việc làm của anh được người dân và chính quyền ghi nhận, đánh giá cao, góp phần cùng toàn dân sớm dập dịch”.
Qua tìm hiểu được biết, ngoài việc phân phát hàng hóa hỗ trợ của thành phố, mua nhu yếu phẩm thiết yếu theo đơn đặt hàng phát đến tận tay người dân, anh Hoàng cùng chị Luân còn tham gia vận chuyển người có nguy cơ lây nhiễm Covid đến điểm xét nghiệm, mua thuốc men phục vụ người dân. Tinh thần làm việc hăng say, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo năng lực từ anh Hoàng được bà con trong tổ ghi nhận.
Không chỉ bà Lương, chị Luân, anh Hòa, anh Phương mà trong những ngày này, có hàng ngàn tổ trưởng, tổ phó, trưởng thôn trên hầu khắp địa bàn đã và đang nỗ lực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” phát lương thực cho dân. Hàng tấn rau, hàng chục ngàn suất quà và rất nhiều đơn mua hàng đã được chuyển đến từng hộ gia đình để không ai bị thiếu thốn trong thời gian giãn cách.
*Giữ vùng xanh ở tâm dịch
Những ngày đại dịch bùng phát, Q.Sơn Trà được xem là điểm nóng về Covid-19 khi có chuỗi lây nhiễm Cảng cá Thọ Quang với hàng trăm ca bệnh, có 5/7 phường phải phong tỏa cứng để cách ly y tế. Tại phường Thọ Quang, tâm dịch của Q.Sơn Trà, KDC Lộc Phước 7 vẫn giữ được vùng xanh nhờ cách làm hay, sáng tạo của lực lượng cơ sở.
Không giấu được niềm tự hào, ông Nguyễn Văn Hợp, Bí thư Chi Bộ KDC Lộc Phước 7 chia sẻ, đầu tháng 8/2021, P.Thọ Quang áp dụng biện pháp cách ly cứng, trong đó KDC Phước Lộc 7 nằm trong diện cách ly y tế tập trung để xét nghiệm Covid. Cả 3 tổ dân phố (50, 51 và 52) với 250 hộ dân nằm trong 3 chốt cách ly cứng.
Trước thực trạng này, để giải quyết bài toán cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ông Hợp thành lập Ban điều hành KDC với 42 thành viên là Chi bộ KDC, Tổ dân phố, Đảng viên, Tình nguyện viên và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. KDC lập ra chốt kiểm soát mềm ra vào địa bàn, chia làm 4 ca trực, mỗi ca 3 người, hoạt động 24/24 giờ.
Toàn bộ người dân trong KDC đều phải sử dụng mạng Zalo để liên lạc với Ban điều hành, tuân thủ nghiêm quy định 5K và ai ở yên nhà nấy. Để cung ứng thực phẩm cho vùng dịch, mỗi TDP lập ra tổ hậu cần 3 người là phụ nữ, có trách nhiệm mua lương thực theo đơn cho từng hộ dân. Sau khi tổng hợp đơn mua hàng qua Zalo, tổ hậu cần liên hệ nhà cung ứng đặt mua và nhận tại chốt kiểm soát mềm do KDC lập ra.
Khi nhận hàng, người dân mới chuyển tiền cho tổ hậu cần thông qua hình thức chuyển khoản. Khi hàng hóa chuyển về chốt kiểm soát mềm, Ban điều hành sẽ phân công người đến nhận và chuyển trực tiếp đến từng hộ gia đình. Theo trình tự như vậy, người dân trong KDC cứ ở yên trong nhà, mọi nhu cầu của họ đều được Ban điều hành đáp ứng một cách tốt nhất.
Với cách làm hay, sáng tạo này mà 20 ngày qua, kể từ khi áp dụng biện pháp cách ly y tế (ngày 2/8), KDC Lộc Phước 7 không có ca nhiễm Covid-19, giữ vững vùng xanh, sạch qua 6 lần xét nghiệm đều âm tính. Với thành tích này, ngày 17/8, KDC Lộc Phước 7 là đơn vị duy nhất của P.Thọ Quang được UBND Q.Sơn Trà tặng giấy khen đột xuất về thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch.
Đà Nẵng đang bước vào ngày thứ 6 áp dụng biện pháp giãn cách để chống dịch. Các lực lượng tham gia Tổ Covid cộng đồng, trong đó nổi bật là Tổ trưởng dân phố đã và đang làm tốt phần việc của mình. Trên các trang mạng xã hội như Facebook và Zalo, những ngày qua, có hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ về những việc làm tích cực của Tổ trưởng dân phố ở Đà Nẵng trong việc phục vụ lương thực, thực phẩm và nhiều nhu cầu khác cho người dân ở nhà chống dịch.
Hôm qua (21/8), Đà Nẵng tiếp tục áp dụng thêm 3 ngày giãn cách “ai ở đâu ở yên đó” để chống dịch. Lần này thành phố cho phép gần 1.000 Shipper hoạt động để đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân. Việc này sẽ chia sẻ gánh nặng cho Tổ Covid cộng đồng mà thành phố hướng đến, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong những ngày ở nhà chống dịch.