Niềm tin về một trận tuyến
Đã hơn hai năm khốn khó trôi đi trong nhiều lo toan, đại dịch viêm phổi cấp SARS-CoV-2 do virus Corona hoành hành trên khắp các châu lục vẫn chưa giảm mà còn phát sinh biến chủng mới, gieo rắc thêm hiểm họa.
Lắng lòng đi qua những ngày hiểm họa
Covid-19 khiến nhiều người phải hết sức lao đao, lo lắng. Mới đầu tập trung ở chốn đông người, rồi lần hồi thôn trang cũng như thành thị, đâu cũng nơm nớp chực chờ. Những mệnh lệnh như giãn cách, phong tỏa, cách ly xã hội, thiếu thuốc, không đủ máy thở và đại loại là trắc trở đột nhiên ập tới, gây xao động cộng đồng do buộc phải chấp nhận, thực thi. Thời gian, quang cảnh có lúc như ngừng trôi trong tê tái bởi người người phải đối mặt với nhiều khốn khó, đau thương, mất mát.
Ở tỉnh đất hẹp người đông còn nhiều khó khăn, Bến Tre vừa phải hứng chịu đợt dịch hoành hành xem như nặng chưa từng có. Song đã tạm lắng, giờ có thể xem như đã qua rồi cơn bỉ cực (dù chưa chặn đứng được trận tuyến dịch bệnh) khi càng ngày ta càng nhận ra nhiều nguồn lây nhiễm mới được chế ngự loại trừ, với nhiều sự trợ giúp trước một tình trạng khẩn thiết “chống dịch như chống giặc”, nên tâm thế tạm yên và đã tự tin.
Tây y khi phát hiện căn bệnh mới này đã bắt tay ngay từ vĩ mô, giải mã trình tự bộ gen của virus, hỏa tốc nghiên cứu sản xuất thuốc chống lại (đó là vắcxin mà ta đang dùng để ngừa và điều trị). Đông y thì chữa trị dựa trên quan niệm con người là một tổng thể, nên chú trọng điều chỉnh khả năng phòng chống bệnh của toàn thân. Vừa qua rất nhiều phương pháp trị liệu và phòng bệnh từ Đông y đã được ứng dụng, phổ biến rộng trong cộng đồng khá công hiệu và hầu như không tốn kém.
Có thể nói, tư duy và cách chữa trị của hai nền y học Đông - Tây còn đang tiếp tục đều đáng để kỳ vọng, tự tin… Càng an yên hơn khi người người càng lúc càng lắng nghe và thấu hiểu nhiều về những ngọn nguồn của dịch bệnh.
Nhiều người rất tích cực trong ứng phó, phòng chống dịch bệnh đã cùng nhiều tập thể, đơn vị làng xóm vận động, quyên góp tiền của giúp người khó khăn, người nghèo vượt qua hoạn nạn. Đã xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân thiện nguyện, những tấm gương sáng trong các cuộc vận động cứu giúp người khốn đốn. Rõ ràng, cứ mỗi lần đối mặt rồi khắc phục vượt qua khó khăn nghịch cảnh, thì đâu đâu cũng đều xuất hiện những cá nhân, tập thể rực rỡ như hoa mùa xuân.
Trận tuyến vẫn còn đang tiếp diễn trong mức độ được kiểm soát nghiêm ngặt từng milimet. Chắc chắn rồi ai ai cũng thay đổi hành vi, ánh nhìn, ai ai cũng gần gũi thân thiết và trải lòng với nhau, thích ứng với những gì bình thường mới.
Sống tự tin, hòa thuận với thiên nhiên
Lịch sử các đại dịch gây điêu đứng loài người cùng vạn vật trên trái đất từ lâu nghe thôi đã khiếp đảm. Từ dịch Antonine được ghi nhận hồi đầu sau công nguyên (năm 165 - 180) đến nay có đến hàng chục đại dịch “khổng lồ” tấn công loài người, cướp đi gần hai trăm triệu sinh mạng.
Lần này, cơn đại dịch mang tên Corona Vũ Hán nghe nói còn kinh sợ hơn. Được biết trong vòng một thế kỷ gần nhất ta đang sống đây đã có 4 đại dịch kinh hoàng. Nó đã lấy đi gần 100 triệu người, mà nhiều nhất vẫn là ở Châu Âu - nơi khởi phát, bùng lên nhiều trận dịch ghê tởm trong lịch sử như dịch hạch, đậu mùa, tả.
Khác biệt thì có nhưng sự tương đồng thì thường là mỗi đại dịch kéo dài từ 2 đến 3 năm là chấm dứt và thời điểm phát sinh dịch đậm đặc hơn hết là trong hai thế kỷ 17, 18.
Theo WHO và các Tổ chức Y tế thế giới, trong 100 năm (từ 1918 đến nay) mà thế giới đã vượt qua 4 đại dịch khủng là: Cúm Tây Ban Nha (1918 - 1919); Cúm Châu Á (1957 - 1958); Cúm Hồng Kông (1968 - 1970); Cúm lợn ở nhiều nước trên thế giới (2009 - 2010) … Đó là chưa nhắc tới Bệnh than (cũng gần như dịch SARS) đã làm sửng sốt khu vực Đông Bắc Á, dù chỉ một thời gian ngắn (năm 2002 - 2003) gây tử vong 770 ngàn người. Kế tiếp là dịch MERS diễn ra năm 2012, làm vong mạng 850 ngàn người; dịch Ebola (2014 - 2016) cũng cướp đi 11.300 người.
Nói chung, tổn thất nào cũng từ 5 đến 6, 7 con số. Riêng Cúm Châu Á, Cúm Hồng Kông làm chết trên 2 triệu người; Cúm Tây Ban Nha là khủng khiếp nhất, chết trên 40 triệu người…
Ta đang sống và sẽ sống không phải những ngày chói lọi, mà là sống chung với “căn bệnh, thế kỷ” HIV/AIDS, nó có từ năm 1981 đến giờ. Cả loài người trên hành tinh chứ không phải chỉ chúng ta đang vừa thích ứng, hòa hoãn với chúng để vừa chế ngự, khuất phục chúng. Rồi đây, còn có thể phải chung sống với những dịch bệnh lạ nữa chăng?!
HIV/AIDS đã gặm nhấm của chúng ta hơn 35 triệu sinh mạng dù căn bệnh “mãn tính” này có ranh giới, chỉ lây qua đường tình dục, còn Covid-19 và những bệnh truyền nhiễm (nhất là lây qua đường hô hấp) thì mênh mông, vô biên, nguy cơ hơn nhiều. Vậy nên, càng phải siết chặt vòng vây kiểm soát, kiểm nghiệm thiết lập một trật tự bình thường mới, phải “tuyệt đối” thực hiện 5K, phải Đông - Tây Y kết hợp nhuần nhuyễn trong phòng trị liệu …
Hãy nhớ Ủy ban Phân loại Quốc tế vừa cảnh báo: Loài người nhớ đừng làm phiền virus, đừng tàn phá nơi sinh sống của chúng. Con người nhất định không thể giết sạch virus (nó có trùng trùng điệp điệp đến hơn 5.000 chủng loại). Có thể nói, ngoài chung sống hòa thuận với chúng, ta hầu như chưa có cách nào khác.
Thế giới đã khẳng định đa số những căn bệnh truyền nhiễm mới đều có nguồn lây nhiễm từ động vật hoang dã. Virus Corona cơ bản có thể khẳng định bắt nguồn từ virus của động vật hoang dã.
Và thái độ của chúng ta hiện thời cho trận tuyến Covid-19 khẳng định phải tìm mọi cách tốt nhất cho phòng chống dịch bệnh, phải nghiêm chỉnh tuân thủ mọi quy chế pháp định, tiếp tục gắng sức vượt qua khó khăn, phải vững niềm tin về cuộc chiến chống Covid-19.