Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 04/10/2023 13:28 (GMT+7)

Phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 5​ tại TP HCM

Thông tin từ Trung tâm Y tế quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn quận vừa ghi nhận một ca bệnh đậu mùa khỉ (nam giới, 22 tuổi, đang tạm trú tại Phường 2). Như vậy, tính từ năm 2022 đến nay, đây là ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 5 được ghi nhận (gồm cả hai ca nhập cảnh vào năm 2022) trên địa bàn Thành phố.

Phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 5​ tại TP HCM

Chiều 2/10, thanh niên này đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ. Sau khi nhận được thông tin ca bệnh, Trung tâm Y tế quận Tân Bình đã khẩn trương tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh.

Bệnh nhân được hướng dẫn chủ động thông báo cho những người đã tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 21 ngày, cảnh báo khi có triệu chứng nghi ngờ cần báo ngay cho trạm y tế phường tại nơi cư trú và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn. Người ở chung với bệnh nhân đã được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ căn nhà, phòng và các vật dụng cá nhân. Những người tiếp xúc với bệnh nhân hiện có sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh.

Như vậy đến nay, địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 5 trường hợp mắc đậu mùa khỉ (gồm cả hai ca bệnh nhập cảnh từ Dubai vào tháng 10/2022). Ngành Y tế khuyến cáo người dân, nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh là: có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ nhưng không giải thích được.

Có một hoặc các triệu chứng như: đau đầu, sốt trên 38,5 độ C, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi... Đặc biệt, trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với ca bệnh hoặc ca bệnh nghi ngờ (thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da, bao gồm cả quan hệ tình dục) hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như: quần áo, giường, đồ cá nhân của người bệnh...

Khi đã xác định mắc bệnh, người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm; đồng thời, cần thông tin cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.

Cùng chuyên mục

Lợi ích từ việc cấm bán thuốc lá cho thanh thiếu niên
Theo kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Public Health, việc cấm bán thuốc lá cho thanh thiếu niên và tạo ra một thế hệ không hút thuốc có thể ngăn chặn 1,2 triệu ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu.
Đình chỉ lưu hành mỹ phẩm RAILEZA do có chứa thành phần thuốc diệt côn trùng
Cục Quản lý Dược có công văn số 3188/QLD-MP về đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn quốc sản phẩm RAILEZA của Công ty Cổ phần Oceanpharm chịu trách nhiệm đưa ra thị trường và công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Quang Xanh sản xuất, do có chứa chất Permethrin là chất được sử dụng với vai trò là thuốc diệt côn trùng. Theo quy định quản lý mỹ phẩm của Bộ Y tế, sản phẩm RAILEZA không được phân loại là sản phẩm mỹ phẩm.
Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 01 - 05 tuổi
Theo kế hoạch, đối tượng được tiêm vaccine trong chiến dịch này là trẻ từ 01 - 05 tuổi đang sống trên địa bàn TP. Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi trên địa bàn TP chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.

Tin mới

Làm giả giấy tờ, chủ tịch và cán bộ địa chính xã bị bắt
Nguyên chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã Đức Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) đã "bắt tay" làm các thủ tục và làm giả một số giấy tờ để xin cấp đất đã bị cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam để tiếp tục điều tra vụ án...