Phát hiện xương thằn lằn biển niên đại 145 triệu năm ở Cuba
Các nhà khoa học vừa phát hiện bộ xương một loài thằn lằn biển sống cách đây từ 130 đến 145 triệu năm trong một hang động ở phía Tây Cuba, và được đánh giá có thể là "phát hiện cổ sinh vật học thế kỷ" ở đảo quốc Caribê.
Nhà khoa học địa chất Cuba Manuel Iturralde ngày 5/12 đã dẫn kết quả các nghiên cứu sơ bộ cho biết phát hiện mới là hóa thạch của một loài bò sát dài 3-4m được gọi là thằn lằn cá (Ichthyosaurus), có hình dáng tương đối giống với loài cá heo hiện tại, nhưng có mỏ dài hơn và hàm răng sắc nhọn. Dữ liệu thu thập được cho thấy những động vật này sống từ kỷ Tam Điệp đến kỷ Phấn trắng và là loài ăn thịt.
Điều đáng nói là hóa thạch của loài thằn lằn cá này được tìm thấy trong hang Surgidero del Río del Novillo, nằm ở vùng núi của Thung lũng Viñales, thuộc tỉnh miền Tây Pinar del Río. Hóa thạch được một người dân sống ở trang trại gần đó phát hiện hoàn toàn tình cờ. Nhà nghiên cứu Yasmani Ceballos cảnh báo rằng hầu hết các chi thằn lằn cá trên thực tế đã biến mất khỏi hồ sơ hóa thạch và "không có thứ gì giống như thế này từng được tìm thấy ở Cuba".
Trước đây, các nhà khoa học từng tìm thấy xương khủng long kỷ Jura, hài cốt của rùa tiền sử và hóa thạch khỉ tại hang động ở Pinar del Río.
Các nhà khoa học dự kiến sử dụng phương pháp đo quang ảnh để thực hiện mô hình 3D của hóa thạch đồng thời nghiên cứu mẫu đá nơi phát hiện xương thẳn lằn biển.