Phát triển kinh tế bền vững luôn đi kèm với việc bảo vệ môi trường
Thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) hiện đang từng bước chuyển mình, phấn đấu trở thành thành phố Gò Công ở năm 2025, với tiêu chí phát triển bền vững về kinh tế- văn hóa- xã hội, theo đúng quy định của pháp luật.
Vừa qua, qua bài viết “Văn hóa trong việc tuân thủ pháp luật” đăng tải ngày 23/01/2024, đông đảo bạn đọc, người dân đồng tình ủng hộ. Tiếp xúc người dân địa phương nơi có cơ sở của Công ty TNHH MTV Th. Th. (viết tắt là công ty Th. Th.) ở xã Tân Trung, thị xã Gò Công, PV đã nghe họ nói: “Chúng tôi không biết chỗ để sản xuất bột cá ở gần nơi chúng tôi ở gọi là xưởng hay xí nghiệp, hay là nhà kho cũng không rõ, vì không có bảng hiệu. Nhưng khi họ làm việc thì rất ồn ào, rồi thì nước thải, bụi cá,... bay mùi quanh vùng. Thị xã phát triển kinh tế nhưng cũng phải giữ gìn được nét văn hóa trong kinh doanh, đừng để ảnh hưởng đến môi trường sống của những người xung quanh và của địa phương nói chung”.
Khi PV đến ghi nhận sự việc, nơi được cho là cơ sở sản xuất bột cá của công ty Th. Th. đóng cửa, ngưng hoạt động.
Theo đó, dù đi vào hoạt động nhiều năm qua ở địa chỉ trên, công ty Th. Th. vẫn chưa cung cấp được cho cơ quan chức năng thị xã Gò Công các giấy phép quan trọng như: chi nhánh hoạt động tại địa điểm bị người dân phản ánh và bị xử phạt hành chính vào ngày 5/12/2023; giấy phép về môi trường, bởi vì công ty Th. Th. hoạt động các ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường khó giải quyết về mùi hôi, nước thải, bụi,…
Để có thông tin nhiều chiều, liên hệ với cơ quan chức năng, PV được biết, công ty Th. Th. đã nộp đơn khởi kiện quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND thị xã Gò Công tại TAND tỉnh Tiền Giang và được TAND tỉnh Tiền Giang thụ lý giải quyết theo thủ tục án hành chính vào ngày 10/1/2024, yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang tuyên hủy quyết định xử phạt hành chính do Chủ tịch UBND thị xã Gò Công ban hành xử phạt đối với công ty Th. Th.
Tìm hiểu, PV được biết công ty Th. Th. hoạt động ở thị xã Gò Công với nhiều lĩnh vực như: Bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh; Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản; Chế biến và bảo quản rau quả; Sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản… và có cả Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống; Bán buôn thực phẩm,… có địa chỉ đặt tại khu phố 2, phường 2, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, chưa có chi nhánh tại xã Tân Trung, thị xã Gò Công (?).
Trước đó, vào tháng 6/2022 đã bị UBND thị xã Gò Công xử phạt về việc chưa có giấy phép môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. UBND thị xã Gò Công yêu cầu công ty Th. Th. bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định rồi mới đi vào hoạt động… Vào tháng 5/2023, công ty Th. Th. có “Đơn đề nghị” gửi đến UBND thị xã Gò Công về việc xin được tiếp tục hoạt động trong thời gian bổ sung hoàn chỉnh các thủ tục… nhưng không được UBND thị xã Gò Công chấp thuận tại Văn bản số 1809/UBND ngày 22/6/2023.
Đến ngày 2/8/2023, Tổ công tác liên ngành của UBND thị xã Gò Công tiến hành kiểm tra việc thực thi pháp luật của công ty Th. Th. tại xã Tân Trung thì phát hiện cơ sở sản xuất của công ty vẫn hoạt động bình thường, dù giấy phép môi trường vẫn chưa được cấp và không được UBND thị xã Gò Công chấp thuận hoạt động trở lại khi chưa có giấy phép môi trường. Tổ công tác đã lập Tờ trình xử phạt hành chính lần hai đối với công ty Th. Th. và được lãnh đạo UBND thị xã Gò Công chấp thuận, ban hành Quyết định xử phạt hành chính ngày 5/12/2023.
Một cán bộ lãnh đạo xã Tân Trung, thị xã Gò Công, cho biết địa phương tiếp nhận thông tin và nhiều lần phối hợp ban ngành thị xã Gò Công kiểm tra, xử lý việc chấp hành pháp luật của công ty Th. Th. nhưng công ty này lại tiếp tục hoạt động là không thể chấp nhận được. Thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật của công ty Th. Th. thuộc UBND thị xã Gò Công, xã Tân Trung chỉ nắm số lượng doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức,… hoạt động trên địa bàn, khi phát hiện hành vi vi phạm thì tùy theo quy định mà việc xử lý do UBND xã Tân Trung hoặc do UBND thị xã Gò Công giải quyết.
Một lãnh đạo UBND thị xã Gò Công cho biết quan điểm xử lý: “Thị xã Gò Công luôn tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, phát triển nhưng phải tuân thủ pháp luật. Giấy phép môi trường là điều kiện bắt buộc, doanh nghiệp chưa có thì phải tạm ngưng hoạt động, cơ quan chức năng đã nhắc nhở, xử phạt,… mà vẫn không chấp hành thì phải vận dụng pháp luật để tiến hành xử lý các bước tiếp theo theo quy định. Còn việc công ty khởi kiện đến Tòa án thì đã có những quy định cụ thể, lãnh đạo UBND thị xã sẽ cung cấp các văn bản, quyết định liên quan để Tòa án xem xét, giải quyết…”.
Luật sư Trần Công Ly Tao (nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: “Phát triển kinh tế bền vững luôn đi kèm với việc bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát triển văn hóa – xã hội ở địa phương. Là doanh nghiệp, điều quan trọng trong kinh doanh đó chính là ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định về pháp luật trong họat động kinh doanh, sản xuất, sử dụng lao động,… Đó chính là nét văn hóa của doanh nghiệp”.